Khi nhà khoa học nói thật

Ông cho đây là cơ hội để chia sẻ với cử tri về những khó khăn và được nghe góp ý về những yếu kém của đội ngũ người làm khoa học. Đó là sự phát biểu can đảm của một người đứng đầu ngành. Kể cả khi ông thừa nhận sự bất hợp lý vì nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học bằng ngân sách nhà nước thành công xong lại cất vào ngăn kéo vì không ứng dụng được. Trong lúc đó các nhà doanh nghiệp lại phải đi nhập công nghệ nước ngoài - mà không ít trong số đó đã quá lạc hậu, biến nước ta thành “bãi rác công nghệ”. Ông Quân cũng nói đến nhiều công trình nghiên cứu khoa học không theo thực tiễn, không theo nhu cầu của xã hội mà được nghiên cứu theo sở thích của các nhà khoa học. Nhất là các công trình nghiên cứu khoa học xã hội “rất nhạy cảm” - chữ của bộ trưởng - nên khó ứng dụng. Đúng là quá lãng phí, cả chất xám của các nhà khoa học lẫn tiền thuế của dân. Ông bộ trưởng cũng thừa nhận tình trạng làm giả chứng từ để quyết toán trong giới làm khoa học là có thật do những cơ chế, thủ tục rườm rà...

Nghe ông Bộ trưởng KH&CN nói do cơ chế khiến những người làm khoa học phải làm giả chứng từ để thanh quyết toán, tôi lại nhớ đến chuyện ông GS-TS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học - Lý luận và Ứng dụng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, trả lời phỏng vấn của báoTuổi Trẻcách nay vài tháng. Ông Thêm nói không cần điều tra ông cũng biết rằng gần trăm phần trăm người Việt hiện nay nói dối hay làm giả dối ít nhất một cái gì đó! Ngay cả các nhà khoa học nhiều khi cũng phải làm dối “do cơ chế”. Ông giáo sư nêu một ví dụ: Muốn tổ chức một hội thảo khoa học, người tổ chức bắt buộc phải kê khai gian dối chi phí mới đủ tiền tổ chức. Ông Thêm cho biết theo Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN của liên bộ Tài chính và KH&CN ký năm 2007 thì người tổ chức một hội thảo khoa học như ông được nhận 200.000 đồng, một báo cáo tham luận 500.000 đồng và đại biểu tham dự hội thảo được 70.000 đồng! Ôi nghe thật đau lòng. Giá cả gì mà lạc hậu thế? Quy định này có chữ ký của Bộ Tài chính - một bộ chuyên lo về giá cả sao lại quên chuyện tiền nong với các nhà khoa học vậy? Hay là họ cho rằng các nhà khoa học chẳng cần đến tiền bạc? Thế thì làm sao có những hội thảo đàng hoàng, nghiên cứu khoa học nghiêm túc để có được những kết quả tốt đẹp khi mà các nhà tổ chức phải làm gian dối? Làm khoa học đầu tiên là phải trung thực. Tôi nhớ đến một câu ngạn ngữ phương Tây: “Nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Vì vậy rất mừng khi nghe ông bộ trưởng hứa đến quý III-2015, các nhà khoa học sẽ không còn phải làm dối, bởi Bộ KH&CN đã chỉnh sửa và ban hành hơn 50 thông tư thay đổi toàn bộ quy trình, thủ tục, áp dụng nguyên tắc “khoán chi”. Nhà khoa học nào có công trình nghiên cứu ứng dụng được thì không phải kê khai gì cả, miễn trong mức kinh phí đã khoán. Chờ xem!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới