Cùng với việc gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu, khói bụi dày đặc từ đám cháy đang bao phủ các thành phố trong khu vực, có thể khiến hơn 100.000 người qua đời sớm hơn và phá hủy môi trường sống của loài đười ươi và báo đốm quý hiếm.
Đã có đến khoảng 10.000 đám cháy trong tháng 9-2015 trên đảo Kalimantan và Sumatra của Indonesia. Khói bụi lan sang các quốc gia láng giềng Malaysia, Singapore và Thái Lan đang làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối của người dân.
Các đám cháy khởi phát từ hành vi phá rừng có chủ đích và trái pháp luật để làm giấy và sản xuất dầu cọ. Mức độ nghiêm trọng của thảm họa này sắp sửa tương đương với mức của năm 1997, năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Khi đó, hiện tượng El Nino đã gây nên tình trạng hạn hán tại quốc gia vạn đảo, khiến cho tình trạng mất nước của các vùng đất bùn trầm trọng hơn và tạo ra các điều kiện dễ bắt lửa.
Khói bụi từ cháy rừng tại Indonesia lan sang nước láng giềng Malaysia, bao trùm thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: AP
Lãnh đạo dự án bảo vệ rừng tại Indonesia của tổ chức Hòa bình Xanh Bustar Maita nói rằng: “Trong khi các chính phủ chuẩn bị nhóm họp ở Paris để cứu thế giới khỏi thảm họa nóng lên toàn cầu thì vùng đất Indonesia đang bốc cháy. Các công ty phá rừng và rút nước của vùng đất bùn đã biến cảnh vật của Indonesia thành một quả bom carbon khổng lồ và rồi hạn hán sẽ gắn vào đó cả ngàn ngòi nổ. Chính phủ Indonesia không thể nào làm ngơ trước sự hủy diệt này được nữa khi mà một nửa châu Á đã phải gánh chịu hậu quả”.
Cam kết của Indonesia với Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu đã bị chỉ trích nặng nề vì thông tin mơ hồ của nước này trong công tác dập lửa.
Trong quá khứ, trận cháy rừng kỷ lục năm 1997 đã tạo ra lượng khí nhà kính khổng lồ mà các nhà khoa học ước tính từ 0,81 đến 2,57 gigaton, tương đương với 13%-40% tổng khí thải của cả thế giới. Điều đó dẫn đến lượng CO2 tăng cao kỷ lục trong một năm. So với đó, lượng khí phát thải của nước Anh cho cả năm 2014 chỉ là 0,52 gigaton.
Lính cứu hỏa Indonesia đang nỗ lực dập tắt đám cháy tại vùng đất bùn. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo giới truyền thông thì tác động của cháy rừng lên sức khỏe con người được dự báo là rất nặng nề và có thể gây nên cái chết yểu trên khắp Đông Nam Á với khoảng 110.000 người thiệt mạng/năm. Hơn 75.000 người cũng phải chịu các căn bệnh đường hô hấp nghiêm trọng.
Chính phủ Indonesia đã triển khai hơn 22.000 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa để dập lửa, cộng thêm các máy bay thả bom nước và các hoạt động tạo mây. Thêm 6000 binh sĩ khác theo dự báo sẽ tiếp tục được huy động. Tuy nhiên, các đám cháy tại vùng đất bùn rất khó dập tắt và giải pháp lâu dài duy nhất chính là phục hồi và bảo vệ các vùng rừng mưa nhiệt đới và đất bùn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi mọi người kiên nhẫn khi cho rằng khói bụi “không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều”. Ông phát biểu: “Bạn sẽ sớm thấy kết quả và trong ba năm, chúng tôi sẽ giải quyết được thảm họa này”.