Khi xảy ra tai nạn, tài xế hay chủ xe phải bồi thường?

(PLO)- Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà xác định chính xác ai là người phải bồi thường cho bị hại trong các vụ tai nạn giao thông.

Như Pháp Luật TP.HCMđã thông tin, ngày 27-4, TAND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp (41 tuổi, tài xế của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thiên Định Vũng Tàu) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Một trong hai bị hại của vụ án này là em Trần Thị Hồng đã phải cắt chân trái, tỉ lệ thương tật tới 87%.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Hiệp bị tuyên mức án ba năm tù. Đồng thời, Hiệp và Công ty Thiên Định bị buộc liên đới bồi thường hơn 269 triệu đồng… Phần bồi thường này chưa bao gồm chi phí lắp chân giả mà em Hồng yêu cầu tại tòa.

Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc trong các vụ án giao thông, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại? Đặc biệt là trong trường hợp, người điều khiển xe khi tai nạn xảy ra không phải là chủ sở hữu xe.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp tại TAND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) hôm 27-4 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ảnh: Báo BRVT

Năm nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

ThS Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự thì bên có lỗi còn phải chịu trách nhiệm dân sự hay còn gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng theo quy định của BLDS năm 2015.

Trong đó, việc BTTH ngoài hợp đồng phải được thực hiện theo năm nguyên tắc được quy định tại BLDS bao gồm:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật...

- Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Ai là người phải bồi thường?

Theo BLDS năm 2015, trong các vụ tai nạn giao thông thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như mô tô, ô tô... được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.

Do đó, ThS Nam Hải cho biết cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào việc thiệt hại là do con người hay do tự thân phương tiện gây ra mà xác định trách nhiệm BTTH.

Trường hợp 1: Thiệt hại xảy ra là do hành vi của con người, không phải do tự thân phương tiện gây ra (ví dụ như người điều khiển phương tiện chạy xe quá tốc độ, vượt đèn đỏ... gây tai nạn).

Đối với trường hợp này, tài xế lái xe gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm BTTH. Và việc xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của người có lỗi gây ra vụ tai nạn sẽ được thực hiện theo Điều 586 BLDS.

Khi tai nạn xảy ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào việc thiệt hại là do con người hay do tự thân phương tiện gây ra mà xác định trách nhiệm BTTH.

Ngoài ra, nếu người gây tai nạn là người của pháp nhân hoặc người làm công và gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được pháp nhân, người thuê mướn giao cho thì pháp nhân, người thuê mướn sẽ phải BTTH do người của mình gây ra.

Nếu pháp nhân, người thuê mướn đã BTTH thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2: Thiệt hại do tự thân phương tiện giao thông gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của con người (ví dụ xe bị nổ lốp, đứt thắng... gây ra tai nạn).

Trong trường hợp này, chủ sở hữu xe có trách nhiệm phải BTTH cho người bị thiệt hại. Còn nếu chủ xe đã giao xe cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.

Chủ xe, người chiếm hữu, sử dụng xe có trách nhiệm BTTH cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Tuy nhiên, trường hợp xe bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (ví dụ như xe bị người khác lấy trộm hoặc bị cướp...) thì người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có trách nhiệm phải BTTH.•

Nghĩa vụ bồi thường khi liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại BLDS năm 2015, trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH khi thiệt hại xảy ra do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Khi đó, trách nhiệm bồi thường của từng người sẽ được xác định tương ứng với mức độ lỗi của họ. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải BTTH theo phần bằng nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới