Sau cuộc làm việc với trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài (ngày 18-4), sáng 22-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì hội nghị trực tuyến liên quan đến vấn đề này với lãnh đạo 34 tỉnh, thành.
Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2013 tình hình khiếu nại (KN), tố cáo (TC) trong phạm vi cả nước giảm về số lượt người và số đoàn người nhưng số lượt người KN, TC đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước lại tăng 28,74%. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho hay có tới 70% KN, TC kéo dài hiện nay liên quan tới đất đai. Cụ thể là đòi tăng mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đòi lại đất cũ và giải quyết tranh chấp…
Có nơi còn bao che cán bộ sai, tham nhũng
Theo Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an), không phải khiếu kiện nào của dân cũng sai nên chính quyền cần phải quan tâm tới các nguyện vọng chính đáng của dân. Một trong các nguyên do dẫn đến khiếu kiện, theo ông Quân, là khi triển khai dự án, thu hồi đất ở một số nơi còn mang tính áp đặt, thiếu minh bạch, công khai, dân chủ. “Có nơi khi phát hiện sai sót của cán bộ, thậm chí có tham nhũng, tiêu cực thì còn bao che, xử lý chưa nghiêm khiến dân bức xúc. Lúc xảy ra KN, TC thì cán bộ né tránh, đùn đẩy trong khi người dân muốn được gặp người có trách nhiệm để giải quyết vụ việc được thấu đáo” - ông Quân nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: TTXVN
Cũng theo ông Quân, một số nơi còn có tư tưởng đưa lực lượng công an ra để giải quyết, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nên đẩy người dân vào cảnh đối đầu… Để giải quyết dứt điểm các vụ KN, TC kéo dài, Thiếu tướng Quân đề nghị cần xem xét thấu đáo, có lý có tình các vụ việc. “Nếu giải quyết không tốt sẽ mất dân, đẩy dân xa Đảng, xa chính quyền và các thế lực bên ngoài sẽ lợi dụng” - ông Quân cho hay.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng cho biết KN, TC đông người, kéo dài là do chúng ta đang có những chính sách chưa sát dân. “Muốn giải quyết được tình trạng này thì cần phải giải quyết KN, TC ngay tại cơ sở và coi trọng lợi ích của dân. Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp đối thoại, tiếp dân, không để cán bộ cấp dưới hay chuyên viên tiếp dân. Đồng thời, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm cán bộ tiếp dân vi phạm” - ông Khánh nói.
Các địa phương chưa mạnh dạn sửa sai
Ý kiến tại hội nghị này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng cần phải tiếp dân thường xuyên, định kỳ và cả đột xuất để giải quyết các điểm nóng. “Từ nay đến 15-5, Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát tất cả vụ KN, TC kéo dài để xem các địa phương báo cáo có đúng không. Vì hiện tại có nhiều vụ việc cấp huyện, tỉnh chưa giải quyết nhưng lại cho rằng KN kéo dài” - ông Tranh nói.
Theo ông Tranh, đang có tình trạng các địa phương thiếu mạnh dạn sửa sai, chỉ quan tâm tới tiến độ dự án mà thiếu quan tâm tới quyền lợi nhân dân. Việc thực hiện quy trình, công khai, minh bạch trong thực hiện dự án; giải quyết cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ hiện nhận thức của một số địa phương còn chưa đầy đủ về công tác giải quyết KN, TC. Sự phối hợp giữa các địa phương với bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên trung ương. “Một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa lắng nghe quyền lợi của dân, còn định kiến với việc KN, TC của dân và chưa giải quyết thấu tình đạt lý. Một số địa phương lại chủ quan, tạo thành sự đối kháng với dân. Việc kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết KN, TC còn chưa nghiêm” - Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tới đây các địa phương phải thực hiện đúng Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ 1-7-2014) và phải bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân. “Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp đối thoại giải quyết KN, TC kéo dài với dân trên tinh thần công khai, minh bạch và có tình có lý. Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan phải thanh, kiểm tra những vụ việc nổi cộm. Những trường hợp khó khăn, không giải quyết được thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
LÊ PHI
Thiếu trách nhiệm sẽ bị xử nghiêm và đưa tên lên báo chí Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, thời gian tới chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chấn chỉnh tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của giám đốc sở và chủ tịch UBND các huyện. Nếu thấy cần thiết thì phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thanh tra Chính phủ sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý đối với các chủ tịch UBND tỉnh, TP và người đứng đầu không chấp hành pháp luật, thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết KN, TC. Vụ Công viên Vĩnh Hằng (Hà Tĩnh) Có phần trách nhiệm của chính quyền huyện, xã Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo rõ vụ việc liên quan đến dự án xây dựng Công viên Vĩnh Hằng (tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) dẫn đến sự đụng độ giữa người dân với chính quyền. Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: “Để dẫn đến sự việc trên có phần trách nhiệm của chính quyền huyện, xã đã chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân”. |