Ngày 7-10-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa đã nhận được đơn khởi kiện của bà HTTA (Việt kiều Bỉ) yêu cầu tòa buộc bà DN phải trả lại toàn bộ nhà, đất tại phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa). Kèm đơn khởi kiện, bà A. có nộp cho tòa một số tài liệu liên quan.
Khiếu nại thông báo thụ lý
Sau khi bà A. nộp biên lai thu tạm ứng án phí, ngày 21-10-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo thụ lý vụ án gửi cho các đương sự và VKS cùng cấp.
Sau đó bà N. có đơn khiếu nại, cho rằng tòa thụ lý vụ án không đúng pháp luật. Theo bà N., bà A. không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh có quyền lợi hợp pháp đối với tài sản tranh chấp, vụ án chưa đủ điều kiện khởi kiện. Từ đó, bà N. không đến tòa theo giấy triệu tập, yêu cầu tòa hủy thông báo thụ lý vụ án…
Ngày 2-12-2015, chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung giữ nguyên thông báo việc thụ lý vụ án nói trên. Trong văn bản này, chánh án TAND tỉnh cũng giải thích nếu không đồng ý, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để được xem xét, giải quyết.
Ngày 14-12-2015, bà N. có đơn khiếu nại đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định giải quyết khiếu nại của chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, hủy thông báo thụ lý vụ án, trả lại đơn kiện cho bà A. Cuối tháng 12-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa đã có phiếu chuyển đơn khiếu nại đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhưng đến nay TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa trả lời là có thụ lý, giải quyết khiếu nại của bà N. hay không. Do đó, vụ án vẫn đang phải tạm ngưng để chờ TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Người dân đang làm thủ tục nộp đơn khởi kiện tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Tòa xử lý sao mới đúng?
Vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ việc trên là theo quy định tố tụng dân sự hiện hành, bị đơn có quyền khiếu nại thông báo thụ lý vụ án hay không? Gặp tình huống này, tòa phải xử lý như thế nào mới đúng?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), BLTTDS 2004 không quy định đương sự được quyền khiếu nại thông báo thụ lý vụ án. Điều 175 BLTTDS 2004 chỉ quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người được thông báo phải nộp cho tòa văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu có. Việc trình bày ý kiến này không phải là khiếu nại mà là quyền và nghĩa vụ của người được thông báo. Sau đó thẩm phán được phân công thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét toàn diện, khách quan để ban hành một trong các quyết định tố tụng như đình chỉ giải quyết vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án hoặc tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục tương ứng. Đến lúc đó, các đương sự có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị đối với quyết định tố tụng này và tòa cấp trên sẽ xem xét theo thủ tục tố tụng chứ không phải theo thủ tục giải quyết khiếu nại.
Mặt khác, vấn đề khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự được quy định tại Chương XXXIII BLTTDS 2004. Khoản 2 Điều 391 chương này đã quy định: “Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành, nếu có kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của bộ luật này”. Như vậy, khiếu nại của bị đơn đối với thông báo thụ lý vụ kiện sẽ không được giải quyết theo quy định tại Chương XXXIII BLTTDS 2004 về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự…
Từ các phân tích trên, luật sư Hà cho rằng tòa không cần phải thụ lý, giải quyết đối với khiếu nại về thông báo thụ lý theo Chương XXXIII BLTTDS 2004 và cứ việc giải quyết vụ kiện bình thường.
Trong khi đó, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết: Theo khoản 1 Điều 391 BLTTDS 2004, đối tượng bị khiếu nại là hành vi tố tụng hoặc quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự. Thông báo thụ lý vụ án là văn bản tố tụng nên có thể xác định đây không phải là hành vi tố tụng. Vấn đề là hiện nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền xác định thông báo thụ lý vụ án có phải là quyết định tố tụng hay không. Nếu xác định đây là một quyết định tố tụng thì lại chưa rõ nó thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 hay khoản 2 Điều 391 BLTTDS 2004 (khoản 1 tòa phải giải quyết khiếu nại, khoản 2 tòa không giải quyết khiếu nại mà có thể bằng thủ tục tố tụng như xử phúc thẩm xem xét kháng cáo… - NV).
Theo vị thẩm phán này, thực tế hiện nay nếu đương sự khiếu nại thông báo thụ lý vụ án thì thẩm phán thụ lý phải có giải trình gửi chánh án. Trên cơ sở giải trình của thẩm phán, chánh án sẽ ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại. Như vậy trên thực tiễn, cơ quan tố tụng đang xem văn bản thông báo thụ lý vụ án là quyết định tố tụng. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định hiện hành và nhất là quy định tại Điều 175 BLTTDS 2004 (quyền, nghĩa vụ của người nhận được thông báo) thì không có quy định nào cho phép người nhận được thông báo có quyền khiếu nại văn bản thông báo thụ lý vụ án cả.
Từ đó, vị thẩm phán này và một số chuyên gia khác mà Pháp Luật TP.HCM trao đổi đã đề nghị TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể rằng thông báo thụ lý vụ án có phải là quyết định tố tụng hay không, nếu là quyết định tố tụng thì khi đương sự khiếu nại, các tòa có xử lý theo thủ tục giải quyết khiếu nại quy định ở Chương XXXIII hay không… để áp dụng thống nhất.
Quyết định, hành vi có thể bị khiếu nại 1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành, nếu có kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của bộ luật này. (Theo Điều 391 BLTTDS 2004) |