Chiều 22-3, Quốc hội đã nghe viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác 2011-2016 của ngành mình. Mặc dù cả hai ngành đều có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại như chậm xử lý dứt điểm các vụ oan sai, vẫn còn tình trạng “án dây thun”...
Phải xử lý dứt điểm khiếu nại oan sai
Ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đã nhấn mạnh như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của viện trưởng VKSND Tối cao. “VKSND Tối cao cần có giải pháp tạo chuyển biến căn bản công tác giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự. Đồng thời chỉ đạo VKS các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các khiếu nại cho rằng bị oan, sai trong các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân“ - ông Hiện nói.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề xử lý, giải quyết oan sai trong nhiệm kỳ này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng, một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình, một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến các vụ án điển hình như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)… Cả nhiệm kỳ, VKS các cấp đã quan tâm giải quyết đơn yêu cầu bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự với số tiền hơn 13,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đánh giá về nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận xét việc xử lý, bồi thường oan sai vẫn chậm, gây dư luận không tốt. “Còn một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời; có những trường hợp đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu không đúng pháp luật để tránh bồi thường nhưng chưa được xem xét, giải quyết kịp thời” - ông Hiện nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đang báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: T.PHÚ
Ông Hiện đề nghị ngành kiểm sát cần có giải pháp triệt để hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo luật định, chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, ngành kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để không xảy ra trường hợp làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không để xảy ra trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị đánh chết hoặc bị bức cung, nhục hình. Đặc biệt, phải tập trung xử lý dứt điểm khiếu nại cho rằng bị oan, sai trong các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ngành tòa án: Còn tình trạng “án dây thun”
Báo cáo về công tác giải quyết, xét xử các loại án trong nhiệm kỳ vừa qua, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay trong năm năm qua, TAND các cấp đã thụ lý hơn 1,8 triệu vụ án các loại, trong đó giải quyết được hơn 1,78 triệu vụ (đạt tỉ lệ 98,5%). Các tòa án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xử nên chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước. Mặc dù vậy, ông Trương Hòa Bình cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng “án dây thun”, chậm trễ trong việc thụ lý, giải quyết án ở một số tòa án.
Trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của TAND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng nhấn mạnh: “Một số TAND chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án. Tỉ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán có xu hướng giảm nhưng chưa giảm mạnh”.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ chất lượng tranh tụng tại phiên xử của một số tòa án chưa cao; một số bản án, quyết định có sai sót về số liệu, thông tin về người tham gia tố tụng hoặc tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án nên phải đính chính, giải thích hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều. Trong xét xử án hình sự vẫn còn để xảy ra ba trường hợp kết án oan người không có tội.
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng nhận định: “Ở một số TAND, kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật”.
Rà soát, đánh giá việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị TAND Tối cao triển khai biện pháp khắc phục có hiệu quả các hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử các vụ án, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án về tham nhũng, chức vụ, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người và quyền cơ bản của công dân. Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp kiến nghị ngành tòa án khẩn trương rà soát, đánh giá việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ này. |