'Khinh khí cầu lạ’ bay lạc vào những nước nào?

(PLO)- Nhiều nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật đã phát hiện khinh khí cầu, vật thể nghi là khinh khí cầu bay vào không phận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau sự việc Mỹ bắn hạ vật thể nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, nhiều khí cầu và vật thể bay chưa xác định đã được phát hiện ở nhiều nơi.

Khinh khí cầu, vật thể bay bị Mỹ bắn hạ

. Ngày 4-2, Mỹ bắn một khinh khí cầu mà phía Mỹ khẳng định là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển South Carolina theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Tiêm kích F-22 của Mỹ đã phóng tên lửa AIM-9X Sidewinder vào khinh khí cầu có kích thước bằng ba chiếc xe buýt gộp lại này, lúc nó ở độ cao 18.288 mét, cách bờ biển TP Myrtle Beach khoảng 6 hải lý. Các mảnh vỡ khinh khí cầu rơi ra trong khoảng diện tích là 1.500 mét vuông và có những mảnh vỡ rơi xuống ở độ sâu hơn 14 mét so với mực nước biển, theo hãng tin AP.

Ngay sau đó, ngày 5-2, Trung Quốc khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng bay lạc, chỉ trích việc Mỹ bắn khinh khí cầu là phản ứng thái quá và vi phạm tập quán quốc tế, đồng thời tuyên bố có quyền đáp trả hành động của Mỹ.

Khí cầu bị Không quân Mỹ bắn hạ hôm 4-2 ở South Carolina. Ảnh: AP

Khí cầu bị Không quân Mỹ bắn hạ hôm 4-2 ở South Carolina. Ảnh: AP

. Ngày 10-2, Mỹ bắn hạ thêm một vật thể bay kích cỡ khoảng bằng một chiếc ô tô nhỏ ở không phận bang Alaska. Vật thể này bay ở độ cao hơn 12.000 mét và bị tên lửa AIM-9X Sidewinder của tiêm kích F-22 bắn hạ, giống như loại tên lửa hạ khinh khí cầu ở South Carolina.

. Đến ngày 12-2, Mỹ dùng tên lửa đánh chặn AIM-9X của tiêm kích F-16 bắn hạ thêm một vật thể bay không xác định trong không phận Mỹ ở khu vực hồ Huron, bang Michigan. Lầu Năm Góc cho biết vật thể này bay ở độ cao khoảng 6.096 mét, độ cao và hướng bay của nó gây ra nhiều lo ngại, trong đó có việc gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng, theo đài CNBC.

Hiện tại quân đội và các cơ quan chức năng của Mỹ đang điều tra xác định chức năng của các vật thể, gồm khinh khí cầu do thám Mỹ bắn hôm 4-2.

Vật thể bay chưa xác định ở Canada

Ngày 11-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ra lệnh bắn hạ một vật thể bay không xác định trên bầu trời vùng Yukon, phía tây bắc của Canada. Theo đó, tiêm kích F-22 của Mỹ thuộc Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), do Mỹ và Canada cùng điều hành, đã bắn hạ vật thể này. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết vật thể này hình trụ và nhỏ hơn khí cầu Trung Quốc đầu tiên bị bắn hạ vào hôm 4-2.

Trung Quốc nói khí cầu Mỹ bay vào không phận

Ngày 13-2, Trung Quốc cho biết khinh khí cầu tầm cao của Mỹ đã bay qua không phận của Trung Quốc hơn 10 lần kể từ đầu năm 2022 mà không có sự cho phép của chính quyền Bắc Kinh, theo tờ China Daily.

Tiêm kích F-22 của Mỹ bay ngang qua khí cầu hôm 4-2. Ảnh: AP

Tiêm kích F-22 của Mỹ bay ngang qua khí cầu hôm 4-2. Ảnh: AP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng việc “khinh khí cầu của Mỹ bay trái phép vào không phận của các nước khác không phải là điều hiếm gặp”, đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đã xử lý khí cầu của Mỹ một cách có trách nhiệm và chuyên nghiệp.

Phía Mỹ sau đó đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định Trung Quốc có chương trình do thám bằng khinh khí cầu và cho phép các phương tiện này bay qua 40 nước trên cả 5 châu lục.

Colombia phát hiện vật thể giống khí cầu

Hôm 4-2, lực lượng Không quân Colombia cho biết qua hệ thống phòng không, lực lượng này đã phát hiện một vật thể giống khinh khí cầu vào ngày 3-2, trước ngày Mỹ bắn khinh khí cầu do thám Trung Quốc. Vật thể này bay ở độ cao khoảng 16.700 mét và di chuyển với tốc độ khoảng 46,6 km/giờ. Tuy nhiên, phía Colombia không nói rõ nguồn gốc vật thể. Colombia coi đây không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia và lực lượng Không quân đã theo dõi vật thể cho đến khi nó rời không phận.

Cũng trong ngày 4-2, quân đội Mỹ cho biết một khinh khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện ở đâu đó trên Châu Mỹ Latinh nhưng không các định chính xác vị trí của nó.

Nhật xem lại vụ nghi là khí cầu vào không phận

Nhật đang kiểm tra lại xem có mối liên hệ nào giữa khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ với khí cầu mà Nhật phát hiện được ở ngoài khơi đảo chính Kyushu, phía tây nam Nhật vào tháng 1-2022 hay không, theo trang Japan Today.

Chánh văn phòng nội các Yoshihiko Isozaki cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật đã phát hiện khinh khí cầu này trong hoạt động giám sát thường xuyên, nhưng không nói rõ Lực lượng phòng vệ phản ứng ra sao với khinh khí cầu này.

Ông Isozaki cũng cho biết vật thể bay được nhìn thấy trên bầu trời các tỉnh Miyagi và Aomori vào các năm 2020 và 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm