Ngày 29-1, bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 cho rằng lãi suất điều hành khó giảm thêm trong năm 2024.
Theo UOB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng.
Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6-2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%/năm. Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi và triển vọng tốt hơn vào năm 2024, khó có khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa.
UOB cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các chính sách tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Luật sửa đổi tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần thế chấp.
"Từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Điều này phản ánh cam kết và các phương tiện của Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp", UOB nhận định.
Trong năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mục tiêu 14-15% đặt ra cho cả năm, do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đến năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% có điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Thời gian tới, NHNN sẽ hết sức nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng để sức hấp thụ vốn tốt phải phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, chứ riêng ngành ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng.
"Yếu tố khách quan, từ môi trường kinh tế cải thiện mới kích cầu đầu tư, cầu tiêu dùng tăng. Còn yếu tố chủ quan, về phía doanh nghiệp cần nâng cao sức khoẻ, năng lực của mình. Ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua cắt giảm thủ tục không cần thiết và mạnh dạn hơn trong cho vay", ông Tú nói.
Phó Thống đốc yêu cầu, ngân hàng thương mại cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. NHNN sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng là phải đảm bảo chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích.