Ngày 14-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc với UBND TP.HCM và các sở, ngành để giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2019.
Theo phản ánh, tội phạm liên quan ma túy ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều thực tế mới mà các quy định pháp luật hiện hành để xử lý còn chưa theo kịp.
Nguồn cung và cầu về ma túy lớn
Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết việc mua bán, vận chuyển trái phép tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần diễn biến rất phức tạp. “Công tác quản lý và kiểm soát tiền chất xuất nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh… còn bất cập, sơ hở” - ông nói.
Ông cũng cho hay là tội phạm về ma túy có xu hướng tăng về số lượng lẫn chủng loại. Người sử dụng thay ma túy truyền thống bằng ma túy tổng hợp và độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ. Nguồn cung và cầu về ma túy đều lớn.
Tại buổi khảo sát, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cũng cho hay việc quản lý tiền chất khó khăn. Hải quan chỉ quản lý giấy phép nhập tiền chất mà không biết sau khi nhập, tiền chất đó sử dụng thế nào, số tiền chất dôi dư có được xử lý đúng quy định hay không. Chỉ có thể thống kê đơn vị nào, nhập bao nhiêu mà thôi.
Trong khi đó, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy tại TP.HCM được trang bị từ những năm 2008, không còn phù hợp với tình hình thực tế. “Các nước bạn họ có những máy soi rất hiện đại ở các cửa khẩu, phương tiện chỉ chạy qua là soi được ngay. Chúng ta xuất nhập đến hàng triệu container nhưng chỉ có bốn máy soi nên việc phát hiện ma túy ở các cửa khẩu thực tế là rất khó” - phó giám đốc Công an TP.HCM nói.
Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Quy định pháp luật còn khập khiễng
Đại tá Đinh Thanh Nhàn thông tin: Việc xử lý người nghiện, người sử dụng các loại ma túy tổng hợp gặp khó vì các quy định xác định tình trạng nghiện, phác đồ điều trị… chưa cụ thể.
Cùng đó là có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của Luật Phòng, chống ma túy với các quy định pháp luật khác, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế.
Ông Nhàn cũng cho hay có thực trạng người sử dụng nhiều loại ma túy nhưng không thể xác định được tình trạng nghiện do không thuộc nhóm ma túy kiểu dạng tự nhiên (opiate) hay tổng hợp (ATS). Muốn xác định tình trạng nghiện thì phải giữ người trong thời gian 48 giờ với nhóm opiate và 72 giờ với nhóm ATS tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, không có quy định nào, cơ quan nào tạm giữ người sử dụng ma túy trong khoảng thời gian này.
“Ai dám giữ những người này; giữ sao cho đúng pháp luật, trạm y tế làm sao giữ? Bên cạnh đó, việc các địa phương chuyển hồ sơ sang tòa để đưa người nghiện đi cai theo trình tự là tòa tuyên xong thì người nghiện có ba ngày để kháng cáo. Tuy nhiên, thời gian này thì họ trốn luôn. Có ai được phân công, giám sát đâu” - ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nói.
Ông Khiết cũng cho biết thêm là việc quản lý sau cai nảy sinh vấn đề vì “phường, xã không nắm được mấy người này. Họ trở về là coi như được tự do. Giấy tờ gửi về địa phương là đã hoàn thành việc cai nhưng con người thì không thấy đâu” - ông Khiết tiếp.
Đại tá Nhàn cũng nêu vướng mắc: Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không có quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc...
Tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bổ sung chất ma túy mới; bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy như ketamine, cocain, cần sa, bồ đà…
Người nghiện tăng hằng năm Từ năm 2016 đến 2019, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại TP.HCM gia tăng bình quân hơn 5,7%/năm. Trong số này không ít người nghiện các loại ma túy mới, gây khó cho quản lý, xử lý. Hiện tại, chính quyền quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có 865 người. Tính đến thời điểm báo cáo, các địa phương ở TP.HCM đã tiếp nhận 10.983 người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. |