TP.HCM sẽ đánh vào tụ điểm nhạy cảm về ma túy

Chiều 12-5, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND năm quận/huyện nhằm giám sát về việc thực hiện Luật phòng, chống ma túy trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2019.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Ma túy lợi dụng karaoke, bar để hoạt động

Tại đây, đại diện Công an huyện Bình Chánh cho biết tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Trong đó, công an phát hiện đối tượng dùng ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, bar, beer club... nhưng xử lý khó khăn. Nhiều người sử dụng chất ma túy mới ngoài danh mục quy định của luật như bóng cười, tem lưỡi, nấm độc, shisha…

“Thực tế có một số vụ ma túy tổng hợp được tẩm vào cỏ mỹ, giám định ra một loại hợp chất không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất hiện có nên không xử lý được” - đại diện Công an huyện Bình Chánh nói.

Theo Công an huyện Bình Chánh, người nghiện sử dụng nhiều chất ma túy khác nhau nhưng các que thử chỉ phát hiện được 4-5 loại nên nhiều khi không xác định được người sử dụng ma túy dương tính với chất nào. Vì vậy nên sản xuất thêm nhiều que thử, đáp ứng tình hình phòng, chống tội phạm qua ma túy.

Công an huyện Bình Chánh cũng đưa một số trường hợp vài cơ sở cai nghiện nhưng tại đây không có phác đồ điều trị ketamin nên… trả về, buộc cơ quan chức năng chỉ phạt hành chính rồi cho về nhà.

Công an huyện Bình Chánh cũng nhìn nhận biện pháp cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả. Vì chỉ cắt cơn, giải độc trong 15 ngày, sau đó dễ bị lôi kéo.

Chưa có mô hình nào hiệu quả hơn cai nghiện bắt buộc

Nhiều ĐBQH lo lắng khi lực lượng công an liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, mua bán ma túy khủng.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, thừa nhận về tình trạng tái nghiện. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Phan Thị Bình Thuận bày tỏ: Có tình trạng thuê nhà tại TP.HCM để tàng trữ, mua bán ma túy. Làm sao để chủ động phát hiện được việc này. Chẳng hạn như sự việc xảy ra ở quận 9, vì chung cư phát nổ nên mới phát hiện ra đường dây mua bán ma túy. Vậy nếu không có sự kiện đó thì có cách nào phát hiện đối tượng thuê nhà tàng trữ, sản xuất ma túy không?

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nhìn nhận tội phạm ma túy đã rất chuyên nghiệp, kết nối đa quốc gia. Ông đề nghị công an đánh mạnh vào các tụ điểm kinh doanh nhạy cảm. Đồng thời đề nghị nên đầu tư cho các trung tâm cai nghiện để đảm bảo cai nghiện hiệu quả.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết ba vấn đề mà Công an TP sẽ tập trung gồm: Giải quyết vấn đề người nghiện, tập trung đánh mạnh vào các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm mà người nghiện lợi dụng sử dụng ma túy, đánh vào các nguồn cung cấp ma túy cho TP.HCM.

Theo Đại tá Nhàn, chưa có mô hình cai nghiện nào hiệu quả hơn cai nghiện bắt buộc. Sau đó, quản lý chặt số người sau cai như tạo việc làm.

Đại tá Nhàn cho biết hiện số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm 75%-80% và không thể cai bằng methadone. Vì vậy, nhiều người nghiện ma túy tổng hợp vẫn đăng ký uống methadone để hợp thức hóa việc sử dụng ma túy của mình.

“Một số quận trung tâm như quận 1, 3 có nghiên cứu đề xuất mô hình lắp camera giám sát ở các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường… nhưng còn vướng mắc về luật” - Đại tá Nhàn nói thêm.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, chia sẻ trong dịch COVID-19, việc quản lý tại các cơ sở cai nghiện rất khó khăn, một số đối tượng mới đưa vào rất nguy hiểm, phòng chống rất vất vả.

Ông Khiết cũng nhìn nhận việc cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả chưa cao. “Trạm y tế không chỉ thực hiện cai nghiện mà còn chống dịch, nhiều hoạt động khác. Nếu đưa 1-2 người vào cắt cơn, la lối ầm ào thì có ai dám vào không?” - ông Khiết nói.

Theo ông Khiết, nhiều địa phương phản ánh việc không thể đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào trại cai nghiện vì vướng luật, mà đợi đủ 18 tuổi mới đưa vào thì gây nhiều hậu quả cho xã hội.

Hiện TP có 131 điểm tư vấn, 319 đội xung kích tình nguyện đi vận động người nghiện không tái nghiện, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng nhưng mức lương quá thấp. Đội trưởng của đội xung kích chỉ nhận 0,6 lần mức lương cơ sở, thành viên thì được 0,4 mà làm nhiệm vụ này thì không kiêm nhiệm gì.

Ông Khiết cũng thừa nhận về tình trạng tái nghiện. Ông dẫn chứng một người cai nghiện tập trung trong 24 tháng, cách ly hoàn toàn với bên ngoài, một ngày trị liệu 4 giờ, học nghề… khi trở về thì mập khỏe nhưng lại tái nghiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm