Bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đã cho hay như thế tại ngày làm việc thứ hai của hội thảo góp ý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 19-3.
Cụ thể, bà Mai cho biết theo một khảo sát thì hơn 50% người dân được hỏi cho rằng khó và không thể tiếp cận được với các thông tin công khai trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gần 70% khó hoặc không thể tiếp cận được với quản lý ngân sách, đầu tư công... Bà Mai cho hay: “Có trường hợp những thông tin công khai nhưng lại dán ở những vị trí khó thấy hoặc được dán vào những ngày nghỉ trong thời gian quá ngắn mà người dân chưa kịp tiếp cận đã bị tháo dỡ. Còn đối với những thông tin đưa lên trang thông tin điện tử thì lại quá chậm chạp, nghèo nàn...”.
Liên quan tới quy định về cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân (đây là nhóm thông tin công khai nhưng người dân phải yêu cầu mới được cung cấp), nhiều đại biểu cho rằng việc này dễ dẫn đến sự tùy tiện và gây phiền hà cho người dân.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng khi người dân yêu cầu cung cấp thông tin thì không được làm khó dân, đơn yêu cầu không được quy định quá phức tạp. Trình tự, thủ tục phải đảm bảo thuận lợi nhất có thể cho dân vì đây là quyền được biết thông tin của họ và trách nhiệm cung cấp của Nhà nước chứ không phải dân đi xin. Tránh trường hợp gây khó cho dân, thủ tục làm đơn mà kéo dài vài ngày thì thông tin họ cần có khi đã mất đi tính thời sự.
Theo ông Liên, không phải những thông tin nào luật quy định công khai thì mới công khai mà có những vấn đề thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thấy rằng nó cần thiết và có lợi cho số đông người dân thì vẫn có thể ra quyết định công bố công khai để người dân biết. Đồng tình trong vấn đề này, có đại biểu cho rằng nhiều vấn đề về quyền bí mật thông tin cá nhân nhưng nếu việc công bố thông tin cá nhân sẽ có lợi cho số đông thì phải công bố, ví dụ như vấn đề dịch bệnh.
Công khai tối đa, bí mật tối thiểu GS Nguyễn Đăng Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng thông tin công khai thì phải ở mức tối đa, còn đối với những thông tin thuộc dạng bí mật nhà nước thì càng tối thiểu càng tốt. Bên cạnh đó, theo giáo sư thì thông tin thuộc bí mật nhà nước phải đảm bảo hai yếu tố rõ ràng và ít. Rõ ràng thì phải liệt kê một cách cụ thể từng loại thông tin thuộc bí mật nhà nước và cần thiết phải giải thích tại sao phải giữ bí mật. Như vậy mới có thể đảm bảo quyền lợi cho người dân. |