Khó vay vốn, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đứng trước nguy cơ 'bán mình'

(PLO)-  "Không ai muốn bán mình cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Chúng tôi cần được hỗ trợ về chính sách, lãi suất… để yên tâm sản xuất”- đại diện một doanh nghiệp TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trong nước.

Khó vay vốn, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đứng trước nguy cơ 'bán mình' ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi gặp gỡ. Ảnh: HUY QUANG

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, khi một số ngành hàng phải cắt giảm nhân công, sụt giảm đơn hàng thì hầu hết các doanh nghiệp của ngành lương thực thực phẩm vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất. Riêng tháng 1-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng gần 23% so với cùng kỳ của năm 2022.

Tăng trưởng là vậy, thế nhưng các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm của TP.HCM cho rằng họ không có lãi, khi mà lãi suất cho vay của ngân hàng tăng trên 10%, cộng thêm giá nước... tăng.

Khó vay vốn, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đứng trước nguy cơ 'bán mình' ảnh 2

Bà Lý Kim Chi nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HUY QUANG

Bà nêu thực tế đáng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn tại TP.HCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về tài chính. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn đuổi" các doanh nghiệp này.

"Nếu chúng ta cứ để mai một các doanh nghiệp này đi thì đáng tiếc, vì số doanh nghiệp lớn tại TP luôn chiếm trên 40% lượng hàng lưu thông trên cả nước. Không ai muốn bán mình cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Chúng tôi cần chính sách, có hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”- bà Chi nói.

Bà Chi kiến nghị chính quyền TP.HCM vẫn phải tiếp tục đặt vấn đề kỉ luật, kỉ cương hành chính ở mức cao nhất.

“Nhất là các sở ban ngành, cần tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Một số cán bộ công chức vẫn bình chân như vại trước các thủ tục, chuyển đi chuyển lại, doanh nghiệp chỉ chịu đựng thôi”- bà Chi nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn chính quyền TP có bứt phát trong việc này để tất cả các sở, ngành cùng đồng lòng để làm.

Bà cũng kiến nghị TP có đề xuất với Chính phủ, bộ ngành khi ban hành nghị định, thông tư thì có tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp để hạn chế việc ban hành các nghị định, thông tư không phù hợp, làm ách tắc trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Việt , Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.

Nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.

Từ đó, ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM Đỗ Phước Tuấn nói, chính sách hỗ trợ lãi suất của TP khiến họ gặp khó.

Theo đó, chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai của TP hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Các doanh nghiệp được UBND duyệt dự án xong rồi sau đó hỗ trợ lãi suất theo quyết định của dự án nhưng đến nay vẫn chưa nhận được, không có nguồn tiền giải quyết với ngân hàng. Có doanh nghiệp phải bán nhà để trả nợ, có doanh nghiệp đàm phán với nước ngoài để tránh vỡ nợ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư.

Phía Hiệp hội kiến nghị ngân hàng mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay…

Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay.

Đồng thời, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.

Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa doanh nghiệp vào tình trạng bất ngờ.

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, năm 2022, GRDP đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu TP đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao.

Nhưng từ cuối năm 2022, tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. TP.HCM ghi nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp gửi đến chính quyền, đòi hỏi TP phải có sự lắng nghe, giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm