Ngày 16-2, Đoàn giám sát 1 do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP, dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành và UBND quận 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP hai năm 2015 và 2016.
Test thực phẩm thường xuyên
Theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng BQL chợ Bến Thành (quận 1), nhiều biện pháp như tập huấn kiến thức ATVSTP, khám sức khỏe cho tiểu thương kinh doanh ngành hàng thực phẩm; lập sổ theo dõi nguồn gốc, số lượng hàng thịt heo, bò, gà, trứng nhập chợ hằng ngày... đã được áp dụng. Đặc biệt, BQL chợ đã thực hiện thí điểm kiểm tra, test nhanh đối với ngành hàng rau củ quả, thịt tươi sống và ăn uống tại chợ để phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, độ sạch bát đĩa, hàn the, chất tẩy trắng, phẩm màu, độ ôi khét của dầu mỡ...
Tính đến 31-12-2016, đã kiểm tra 854 mẫu, có 19 mẫu dương tính với dung dịch kiểm tra. Những hộ vi phạm bị cảnh cáo, nhắc nhở và chưa có dấu hiệu tái phạm nhưng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lựa chọn hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đoàn giám sát đang kiểm tra một sạp bán thịt heo tại chợ Bến Thành. Ảnh: H.LAN
Cần kiểm soát tất cả các khâu
Trao đổi với BQL chợ, một số ý kiến băn khoăn chợ Bến Thành có nhiều cách làm tốt nhưng nếu chỉ lập theo dõi nguồn gốc thực phẩm là không đủ, cần có hệ thống lưu trữ thông tin để kiểm soát được nguồn gốc vì chuỗi ATTP từ nuôi trồng đến ra chợ là cả quá trình.
“Trong quá trình chuyển thực phẩm tới chợ, thương lái có thể trộn thực phẩm của chỗ khác vào thì liệu có kiểm soát được không?” - TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhìn nhận chợ Bến Thành là khâu phân phối cuối cùng, tự thân chợ không thể nào làm ra sản phẩm có chất lượng mà chịu hệ quả các chuỗi từ trước. Để thịt heo ra được chợ phải trải qua khâu chăn nuôi, giết mổ rồi đến tay thương nhân chợ đầu mối. “Giữa các khâu này đang có những khoảng hở. Cho là trang trại làm đúng tiêu chuẩn đi nhưng qua tay thương lái có bị bơm nước, ba mảnh được kiểm soát còn một mảnh lấy từ nơi khác không thì làm sao mà biết” - ông Hòa nói.
Ông cho rằng để đảm bảo ATVSTP cần giáo dục, nâng cao đạo đức kinh doanh. Song song đó, các sở, ngành có liên quan phải tổ chức lại thị trường, làm thành chuỗi kết nối, liên thông với nhau, chuỗi sau kế thừa kiểm soát chuỗi trước thì chuỗi cuối mới hưởng được thành quả tốt. Bản thân chợ sẽ kiểm soát sản phẩm đưa vào bằng cách nhận dạng truy xuất, không cho nguồn không chính thức vào.
“Sắp tới chúng tôi tiếp tục triển khai đề án với sản phẩm thịt gà bằng cách truy xuất từ một ngày tuổi, từ trại giống nào, lịch sử tiêm chủng, điều trị kháng sinh...” - ông Hòa cho biết.
Quận 1: Chỉ 28% cơ sở thức ăn đường phố đạt chuẩn Theo UBND quận 1, trong số hơn 2.000 cơ sở kinh doanh ăn uống được kiểm tra năm 2016 thì chỉ có 29,8% cơ sở đạt chuẩn. Nguyên nhân là do các đối tượng có trình độ học vấn thấp, gia đình khó khăn, kinh tế eo hẹp, không có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, không khám sức khỏe... Quận đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức ATVSTP miễn phí cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố nhưng số lượng người đến tham dự còn rất hạn chế, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là 60% người kinh doanh thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận. _____________________________ Quận 1 tập trung đông khách du lịch nên càng cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề ATVSTP. Bên cạnh giáo dục ý thức, đạo đức kinh doanh, cần tăng cường xử phạt để lấy kinh phí tuyên truyền vận động. Mỗi tổ dân phố, ban điều hành khu phố phải vào cuộc đồng bộ để vận động người kinh doanh thức ăn đường phố tuân thủ pháp luật. Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM |