Khói lam chiều

Căn bếp nơi làng quê mỗi chúng ta luôn có ngọn lửa truyền qua bao thế hệ. Ngọn lửa âm ỉ cháy suốt đêm dài với gộc củi, đống nhúm vỏ trấu. Và mỗi sáng mai, khi ngọn lửa ấy được mẹ thổi bùng lên, một làn khói xanh mờ hiện rõ lọc qua tia nắng lọt từ kẽ liếp báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cái ngọn khói ấy, bình thường ta không hề cảm nhận được, ta quen thờ ơ với nó và chỉ khi nào đi xa, càng xa thì nó càng hiện lên rõ nét trong tâm trí khiến ta khắc khoải, bồn chồn. Thế là làng quê với căn nhà cha mẹ ta từng lớn lên lại hiển hiện với bao ánh mắt, nụ cười, bao buồn vui lẫn lộn...

Cuộc sống đô thị khiến ngọn khói bếp ấy chỉ còn trong tiềm thức. Bữa cơm thời nay nấu bằng nồi điện, bếp gas. Cái nồi cơm điện lạnh lùng, còn ngọn lửa gas thì xanh lét. Tất cả đều vô hồn, không chút gần gũi. Cơm canh chín và “cách!” - ngọn lửa ma trơi biến mất. Khi phích điện rút khỏi ổ cắm, cái bếp sạch tưng trở lại lạnh tanh, không chút lửa, không tí mùi vị ngai ngái của củi mục, của khói khiến ta cay mắt, không cả sắc màu của bồ hóng, nhọ nồi, tàn tro bay lên và hình bóng chú mèo nấp bên gác chạn rình mồi. Đáng sợ hơn, nhiều gia đình không còn khái niệm gì về bếp núc nữa. Họ dùng cơm hộp, cơm nhà hàng hoặc ăn đồ nguội, đồ hộp mua từ đầu tuần trữ trong tủ lạnh. Rất nhiều gia đình vợ chồng, con cái sáng ra đi người một đường, tối mù mới quây quần bên mâm cơm.

Khói lam chiều ảnh 1

Xa xa ngọn khói lam chiều. Ảnh: INTERNET

Đời sống công nghiệp làm không kịp thở. Vừa gặm mẩu bánh mì, người ta vừa chạy vào nhà máy cho kịp trước khi hai cái cánh cổng sắt bên dưới tấm biển hiệu đầy chữ nước ngoài khép ngay lại, nếu không là mất lương hôm ấy như chơi. Thế đấy! Ngọn khói lam chiều bao đời này đã bị đánh đổi để giành lấy miếng ăn vào thời có rất ít lựa chọn và không còn tâm trí để hoài cổ trên con đường cao tốc hướng tới hội nhập. Ngày nay sung sướng hơn, không chỉ no mà ngon, không chỉ lành mà đẹp nhưng rất nhiều gắn bó của ngày xưa đã thành kỷ niệm. Ấy cũng là lẽ tất yếu của cuộc sống. Chỉ mong sao chúng ta đừng quên quá khứ, đừng đánh mất một phần trái tim mình.

Mỗi năm, tôi có dịp về quê vài lần. Làng Xuân Mai dưới chân núi Mồng Gà, phía trước có dòng sông Gianh và trường thành lèn cao dựng đứng ấy đã thay đổi sau rất nhiều vật đổi sao dời. Trong nhiều lý do, bà con phải dời làng vào rừng. Chỉ còn lại đôi ba khóm nhà còn neo lại với hồn làng nép dưới rặng tre. Ngôi nhà cha mẹ tôi xưa không còn dấu vết gì, ngay mảnh vườn cũng thành đất trồng màu. Còn nhớ lần về đầu tiên sau bao nhiêu năm đi xa, tôi phải định vị một lúc mới nhận ra...

Mỗi dịp về quê, thế nào tôi cũng ghé mảnh vườn xưa và hy vọng đâu đó từ những nếp nhà hàng xóm lưa thưa một tia khói bay lên trời như một nét hoa văn. Tôi chiêm ngưỡng ngọn khói ấy với tấm lòng thành kính như hướng về hồn quê lắng tận thẳm sâu trong tâm khảm. Rồi tôi tự nhủ lòng: Hằng năm, ta phải trở về làng xưa, nơi chôn nhau cắt rốn đích thực của ta xưa và con cháu nữa, cũng không để chúng quên cái nơi có ngọn khói lam chiều trên đất đai, vườn tược ông cha.

Càng ngày, tôi càng thấm thía hơn câu thơ tài hoa của thi sĩ Huy Cận: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

HOÀNG THÁI SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 171)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm