Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh như thế tại buổi động thổ công trình trên vào ngày 25-10.
Năm 2009, đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng. Tuyến đường này mau chóng thành trục đường xuyên tâm quan trọng của TP.HCM, kết nối với các tỉnh khu vực miền Tây.
Tuy vậy, nhiều năm qua, khu vực cửa ngõ Tây của TP.HCM vẫn chưa thông được, do đoạn trên chưa được nối thông. Cũng vì thế mà cách nay nhiều năm, đường Nguyễn Văn Linh nối dẫn lên vào cao tốc Trung Lương vẫn không giải tỏa được nạn kẹt xe cho quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc qua cầu Bình Điền đến ranh tỉnh Long An.
Đoạn quốc lộ 1 này đã được mở rộng lên gần ba làn xe cho mỗi chiều nhưng cũng không chịu nổi áp lực gia tăng của phương tiện, tần suất và mật độ đi về giữa TP.HCM và khu vực trọng điểm kinh tế Đông - Tây Nam Bộ. Chuyện kẹt xe ở cửa ngõ này trở thành thường ngày.
Năm 2013, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh khi mua lại quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, doanh nghiệp này đề xuất đầu tư một đoạn đường nối tuyến Võ Văn Kiệt vào cao tốc Trung Lương theo hình thức BOT. “Đoạn này dài 2,7 km, quy mô không lớn nhưng trong lúc ngân sách hạn hẹp nên nhiều năm qua TP.HCM vẫn không đầu tư được. Nay có đơn vị bỏ vốn đầu tư đoạn này thì “nút thắt” được mở. Tới đây, TP sẽ huy động nhiều hơn các nguồn lực xã hội vào công cuộc phát triển giao thông, xóa kẹt xe” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đánh giá.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, trong năm năm tới, TP cần 25.000 tỉ đồng/năm để xây dựng cầu, đường theo quy hoạch. TP rất cần nguồn lực từ xã hội với chiếm tỉ trọng lớn. “Cầu Rạch Chiếc mới trên vành đai Đông đang được xây dựng theo phương thức nhà thầu ứng vốn thi công trước. Nút giao Mỹ Thủy, cầu vượt tỉnh lộ 10 và vượt đường Trần Đại Nghĩa trên đường dẫn cao tốc Trung Lương hay đoạn quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh… sẽ được đầu tư từ nguồn vốn huy động xã hội. Khi các nhà đầu tư xã hội chung tay, chung sức với TP thì kẹt xe sẽ sớm được giải quyết” - ông Cường hy vọng.