Nhiều ý kiến khẳng định hiện nay tiền không thiếu nhưng điều quan trọng là cần có các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ ách tắc và xây dựng niềm tin giúp dòng vốn từ các kênh “chảy” vào nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Ông Lực khẳng định: “Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp (DN) cần một loạt giải pháp đồng bộ”.
Doanh nghiệp đang rất cần tiền
.Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã nới room (hạn mức) tín dụng thêm 1,5%-2%, tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế trong hơn ba tuần cuối năm. Cộng thêm với hạn mức cũ chưa sử dụng hết thì tổng số tiền trên 400.000 tỉ đồng của hệ thống ngân hàng có thể bơm ra cho nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về khả năng hấp thụ nguồn vốn này?
TS Cấn Văn Lực |
+ TS Cấn Văn Lực: Về khả năng hấp thụ vốn thì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau nhưng theo tôi thì không quá quan ngại về vấn đề này. Bởi hiện nay các nhà sản xuất, kinh doanh đang rất cần tiền, đặc biệt cuối năm là thời điểm mà nhu cầu vốn tăng cao.
Chưa kể năm nay DN phải gánh thêm rất nhiều khoản chi phí nên nhu cầu vốn tăng thêm 7%-10% so với bình thường, trong khi các kênh huy động vốn khác đều rất khó. Đặc biệt, hiện các công ty bất động sản (BĐS) gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền.
Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 13-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện khẩn yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài chính có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu DN, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi NHNN yêu cầu cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
. Vậy theo ông, việc nới room tín dụng liệu có đủ để giúp các DN, nhất là ngành BĐS giải tỏa cơn khát vốn không?
+ Việc nới room tín dụng thêm 1,5%-2% là tín hiệu tích cực cho thị trường nhà đất, bởi rất nhiều hồ sơ vay vốn của người mua nhà và nhiều dự án dở dang đang chờ nguồn vốn này giải ngân. Nhưng thực tế cho thấy việc cung ứng thêm vốn từ ngân hàng cho nền kinh tế có thể vẫn chưa đủ nhu cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải đồng loạt khơi thông các dòng vốn khác chứ không chỉ khơi thông kênh tín dụng ngân hàng.
Trong đó, kênh huy động vốn từ trái phiếu DN là vô cùng quan trọng và cần thiết nhưng hiện tại kênh này lại bị tắc nghẽn. Lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 35%-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các công ty BĐS thì việc phát hành trái phiếu còn khó khăn hơn trong thời gian qua.
Ngoài việc khơi thông kênh tín dụng ngân hàng, cần khơi thông những kênh khác để vốn chảy vào nền kinh tế. Ảnh: TL |
Thêm vào đó, qua rà soát sơ bộ đã chỉ ra rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các công ty BĐS là vấn đề liên quan đến pháp lý dự án. Ví dụ tại TP.HCM có khoảng 1.000 dự án, Hà Nội có khoảng 400 dự án đang vướng pháp lý. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 239 dự án về condotel, officetel với tổng giá trị đạt khoảng 30 tỉ USD. Đây là những con số cho thấy vướng về mặt pháp lý là vô cùng lớn.
Cởi mở nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro
. Theo ông, để khơi thông dòng vốn đang bị tắc nghẽn cho DN trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta cần phải làm gì?
+ Theo tôi, có mấy vấn đề cần giải quyết một cách đồng bộ. Thứ nhất là cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm.
Thứ hai là cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và kiến tạo phát triển. Thời gian qua, đôi khi chúng ta làm mạnh tay quá về câu chuyện kiểm soát rủi ro dẫn đến tắc nghẽn dòng vốn mà lẽ ra không đáng có.
Chúng ta cũng phải cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ DN. Vì vậy, tôi đề xuất chính sách tài khóa trong năm tới cần tiếp tục triển khai một số gói hỗ trợ DN và người dân. Ví dụ có tiếp tục giãn thuế, hoãn thuế, hay có nên trợ giá xăng dầu, năng lượng hay không cũng phải được tính toán thêm từ bây giờ.
Thứ ba là cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá. Nếu chúng ta muốn kiểm soát tốt tỉ giá thì buộc phải tăng lãi suất nhưng vấn đề là tăng đến mức độ nào. Nếu như tăng nhiều quá thì DN có chịu được không.
Hiện nay, chúng tôi có một mô hình tính toán sơ bộ cho thấy cần hết sức thận trọng với công cụ tăng lãi suất. Thay vì tăng lãi suất, chúng ta có thể chấp nhận tỉ giá mất giá nhiều hơn một chút.
. Phát hành trái phiếu DN được xem là kênh dẫn vốn trung và dài hạn vô cùng quan trọng nhưng hiện tại kênh này lại bị ách tắc. Theo ông, làm cách nào để dòng vốn này quay lại hoạt động nhộn nhịp như trước đây?
+ Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Trong đó, hết sức chú ý câu chuyện trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực BĐS. Nhưng về cơ bản là không nên dùng tiền từ ngân sách nhà nước để can thiệp vào việc đáo hạn trái phiếu DN mà chúng ta phải tạo cơ chế tài chính, chính sách phù hợp, có tham khảo các kinh nghiệm quốc tế.
Ví dụ trong sáu giải pháp của Trung Quốc liên quan đến giải cứu thị trường BĐS có hơn nửa số giải pháp có thể tham khảo và áp dụng cho Việt Nam. Chẳng hạn liên quan đến giãn hoãn nợ, giãn hoãn thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn cho nhu cầu ở thực - những công trình dở dang, những người mua nhà lần đầu tiên.
Ngoài ra, cũng cần sớm sửa đổi khung pháp lý cho trái phiếu DN theo hướng cởi mở hơn nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Trong đó, liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm cũng cần phải cân nhắc cho phù hợp, bởi yêu cầu tất cả DN phát hành mới phải xếp hạng tín nhiệm ở thời điểm này thì không thể đáp ứng được. Điều này gây ách tắc trong việc khơi thông dòng vốn ra thị trường.
Chúng ta phải làm sao để vừa tạo cung vừa tạo cầu. Cung ở đây là tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... để các nhà đầu tư này mạnh dạn hơn với trái phiếu. Cầu ở đây là DN phát hành có thể dễ thở hơn một chút.
Ngoài ra, chúng ta phải mở hơn nữa kênh phát hành trái phiếu DN ra công chúng. Ví dụ trước đây, thời gian để cơ quan chức năng phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu là 60 ngày thì giờ đây cần phải giảm xuống còn 30 hay 15 ngày thôi. Đây thực sự là kênh vốn hấp dẫn cho DN và cần phải được khơi thông để phát triển mạnh hơn.
. Xin cám ơn ông.
TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách
tài chính tiền tệ quốc gia:
“Nước sẽ chảy vào ruộng” nhiều hơn
Hiện nay tiền không thiếu nhưng… vốn thì không có. Nó giống như một đám ruộng khô, thiếu nước, tức là đang thiếu tiền nhưng thật sự có một hồ chứa nước rất lớn bên cạnh là tiền. Có điều kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng đang bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô.
Vừa rồi, NHNN đã nới room tín dụng thêm 1,5%-2%. Như vậy, nước trong hồ sẽ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa “hạn hán”, tức giải một phần cơn khát vốn cho DN.
Nếu các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý điểm nghẽn của thị trường BĐS, nhất là về thủ tục hành chính, pháp lý của những dự án sẽ tạo thêm kênh dẫn vốn tiếp theo. Cùng với đó phải nỗ lực đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất để người dân và DN có thể vay được.
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu DN. Phải xem trái phiếu DN là kênh rất quan trọng để có nguồn vốn trung hạn cho các DN, đồng thời giảm đi gánh nặng vốn trung hạn cho các ngân hàng thương mại.
Triển khai nhanh chóng những giải pháp đồng bộ như vậy thì dần dần nước từ hồ sẽ chảy được xuống ruộng. Tôi tin từ giờ trở đi sẽ bắt đầu có nước chảy vào ruộng nhiều hơn.