Khơi thông vốn đầu tư công tại TP.HCM: Cần nhiều đòn bẩy

(PLO)- TP.HCM quyết tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm nay, được trung ương giao gần gấp đôi ngân sách cho đầu tư công, hẳn chính quyền TP mừng nhiều nhưng lo cũng không ít. TP đặt ra nhiệm vụ năm 2023 sẽ giải ngân ít nhất đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó, mục tiêu giải ngân vốn hết quý II được 35%, hết quý III được 58%, hết quý IV đạt 91,5% và hết tháng 1-2024 cố gắng ít nhất đạt 95%.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, quý đầu tiên của năm trôi qua, tỉ lệ giải ngân vẫn rất thấp. Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM, hai tháng đầu năm, tổng số vốn đã giải ngân trên địa bàn mới chỉ đạt 1%. Đến hết ngày 31-3, tình hình giải ngân cũng không thật sự chuyển biến mạnh khi TP giải ngân được hơn 1.600 tỉ đồng, đạt 4% kế hoạch vốn được giao.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã liên tục có văn bản đốc thúc các sở, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Bản thân người đứng đầu TP cũng tự nhận trách nhiệm qua việc tự nhận giảm bậc thi đua, không được xếp loại xuất sắc của năm. Cùng với đó là danh sách 25 đơn vị bị phê bình vì trong quý I không giải ngân được đồng vốn nào.

Ở diễn biến khác, TP cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, kịp thời nhận diện các nhóm vướng mắc và tìm cách để giải quyết. Trong đó, hai nhóm vướng mắc nổi cộm nhất vẫn là liên quan đến khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục còn lòng vòng.

Có thể thấy lãnh đạo TP rất nóng lòng, sốt ruột làm sao để “xài” được hết nguồn lực trung ương giao về. Nhìn tổng thể là vậy nhưng khi đi vào từng dự án tại các địa phương mới thấy rất nhiều khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết bằng ý chí, cũng không nằm ở thẩm quyền giải quyết của địa phương mà phải tháo gỡ từ chính sách.

Đặc biệt là liên quan đến vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. Gần như tất cả địa phương đều bị tắc nghẽn ở khâu này. Gỡ được điểm nghẽn mang tính mấu chốt này thì mới đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn tiền phân bổ về.

Hiện nay, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP cũng đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ để khơi thông điểm nghẽn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

TP cũng đề xuất nhiều cơ chế như cho phép HĐND TP được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; phân cấp cho UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương…

Cùng với đó, TP quyết tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định. Đồng thời, TP đề xuất quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể.

Có thể thấy rất rõ quyết tâm của TP đã ở mức đỉnh điểm, nhất là khi Chỉ số năng lực cạnh tranh của TP cũng đang bị giảm tới 13 bậc, buộc TP phải bứt tốc hơn trong thời gian tới. Dự kiến tháng 5-2023, Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, sẽ thêm đòn bẩy vô cùng quan trọng để TP.HCM bứt phá. Cùng một lúc đã đủ quyết tâm, đủ cơ chế, chính sách, hy vọng rằng TP sẽ về đích đúng hẹn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm