Không ăn xin vẫn bị "bắt"?

Bà Huỳnh Thị Mười (thường trú 417 lô C2 chung cư phường 6, quận 4, TP.HCM) tìm đến Pháp Luật TP.HCM để “nhờ các cô chú xóa giùm hai chữ ăn xin trong giấy tờ cán bộ đã ghi”. Bà một mực nói rằng bà và ba người trong gia đình không hề ăn xin nhưng lại bị thu gom vào các trung tâm hỗ trợ xã hội.

Bé 10 tháng tuổi cũng bị vạ lây

Bà Mười kể hai năm nay, ngày nào bà cũng đi từ nhà ở quận 4 đến cửa Đông của chợ Bến Thành để bán thuốc lá. Bà đang sống cùng con gái lâu nay vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Đầu tháng 9, cháu dâu của bà là chị Nguyễn Thị H. cùng với con trai 10 tháng tuổi từ Bà Rịa-Vũng Tàu lên chơi.

Ngày 20-9, mẹ con bà Mười dẫn mẹ con chị H. đón xe buýt đến cửa Đông chợ Bến Thành. Như mọi ngày, bà Mười xếp thuốc lá ra bán, người con gái sửa soạn đi nhặt ve chai, hai mẹ con chị H. ngồi chơi bên cạnh. Bất ngờ, Công an phường Bến Thành đến đưa tất cả về trụ sở. Tại đây, mọi người được yêu cầu ký vào biên bản (trừ cháu bé 10 tháng tuổi) là đã có hành vi ăn xin. Tiếp đó, bà Mười cùng với con, cháu, chắt bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Nghe tin, cháu nội bà Mười và cũng là chồng chị H. đã đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP làm thủ tục bảo lãnh. Bảy ngày sau, nơi đây giải quyết cho bà Mười được về nhà. Con gái bà Mười vẫn còn ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. Mẹ con chị H. thì bị chuyển tiếp lên Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (Bình Dương) và vẫn còn ở đây cho đến nay.

Không ăn xin vẫn bị "bắt"? ảnh 1

Trước căn nhà chất đầy ve chai, bà Mười nói: “Ngoài tiền chính sách được hơn 400.000 đồng/tháng, tui đi bán thuốc lá và lượm ve chai để kiếm thêm chứ không muốn phụ thuộc ai”. Ảnh: THÀNH NHÂN

Hồ sơ “ăn xin” nên không thể cho ra

Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Trưởng Công an phường Bến Thành (quận 1), cho biết: Vào thời điểm nêu trên, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận 1 phối hợp với công an, UBND phường Bến Thành đi tập trung thành phần lang thang, ăn xin, ăn trộm. Đợt tập trung này còn nhắm đến các đối tượng thường đối phó bằng các hình thức bán vé số, mì gói, bưu thiếp… để ăn xin hoặc lợi dụng móc túi du khách. Lực lượng đã đưa các đối tượng về trụ sở lập hồ sơ rồi giao cho Phòng LĐ-TB&XH quận chuyển lên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. “Chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục theo trình tự quy định. Chúng tôi phải có đủ cơ sở, chứng cứ khi thu gom thì bên trung tâm mới tiếp nhận. Họ nói không có ăn xin nhưng tại sao lại ký vào biên bản thừa nhận hành vi này” - Trung tá Lĩnh nói.

PV đã tiếp tục liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH quận để làm rõ sự việc nhưng chưa nhận được câu trả lời. Theo tìm hiểu của PV, bà Mười được cho về nhà là do bà thuộc diện chính sách có công, có huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Không thể giải quyết khác

Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, khẳng định trung tâm đã làm đúng theo hồ sơ ban đầu từ quận 1 chuyển đến. Trong hồ sơ ghi rõ các đối tượng là ăn xin nên trung tâm không thể cho người nhà bảo lãnh về ngay mà phải chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội khác.

Vậy mẹ con chị H. bao giờ được về nhà? PV liên lạc với ông Nguyễn Đắc Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (Bình Dương), thì được biết người ăn xin bị tập trung lần đầu thì phải ở trung tâm ít nhất là ba tháng, nếu lần thứ hai thì ít nhất là sáu tháng… mới được về nhà. Ông Tỉnh cũng cho biết trước đây có một số trường hợp khi đến trung tâm phản đối mình không phải lang thang, ăn xin nhưng hồ sơ đã thể hiện rõ như thế nên trung tâm không thể giải quyết khác được.

Họ đã xử lý nhầm

Bà Mười sống ở đây đã hơn 10 năm. Trước đây, khi còn khỏe, bà thường đẩy xe đi bán dạo hành, tỏi. Giờ già yếu, bà mới lên cửa Đông chợ Bến Thành ngồi bán thuốc lá khoảng hai năm nay. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe tin bà Mười cùng con, cháu và chắt bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. Tội nhất là bé trai chưa đầy một tuổi, cháu có tội tình gì sao cũng bị đưa vào đó.

Chị VŨ ÁNH LIÊN, nhà đối diện với nhà bà Mười

Bà Mười bán thuốc lá ở đây mấy năm rồi, bà không có tiền thuê sạp chợ nên bỏ thuốc lá trong mấy cái hủ rồi để trên lề bán cho người qua đường. Bà không xin tiền của ai bao giờ. Có bữa thấy một ông đi đường rên rỉ vì hết sạch tiền, bà Mười còn rút 10.000 đồng ra cho. Thấy vậy, có chị tiểu thương trong chợ đã mua cho bà đĩa cơm trưa (chị này không dám cho tiền vì bà không chịu lấy). Bà cũng hay nhặt ve chai quanh khu vực trong chợ để kiếm thêm thu nhập. Thỉnh thoảng, bà còn mua hành, tỏi ở các chợ về bán lẻ, tiểu thương tụi tui hay mua hành, tỏi chỗ bà để bà có thêm ít đồng lời. Người cháu dâu ở dưới Vũng Tàu cũng thỉnh thoảng đến thăm, chơi và phụ bà bán vé số.

Chị HỒ THỊ MÙI, một tiểu thương bán bơ, đường, sữa ngay cửa Đông chợ Bến Thành

T.NHÂN - T.MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm