Không biết đường ống hư, mất 2.500 m3 nước

(PLO)- Công ty cấp nước sẽ giảm giá nhằm tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán tiền nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Hoàng Hải Yến, ngụ tại 11/28 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết hơn 10 ngày nay, gia đình bà phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt.

Nguyên nhân là do đơn vị cấp nước đã tạm ngưng cung cấp nước với lý do là gia đình bà chưa thanh toán hóa đơn tiền nước kỳ tháng 10-2021 với số tiền hơn 26 triệu đồng.

Bị hư đường ống, một tháng mất 2.500 m3 nước

Theo bà Yến trình bày: Gia đình bà có năm nhân khẩu và lâu nay hằng tháng gia đình chỉ sử dụng trung bình khoảng 20 m3 nước với số tiền phải thanh toán chưa đến 200.000 đồng.

Trước đây, nhân viên bên công ty cấp nước sẽ đến nhà ghi số nước và thông báo tiền nước hằng tháng. Tuy nhiên, từ tháng 4-2021, do dịch COVID-19 nên tiền nước hằng tháng gia đình bà đóng bằng với mức của tháng 3-2021.

Đến tháng 10-2021, nhà bà bị mất nước và khi kiểm tra lại thì chỉ số nước của kỳ tháng 10-2021 lên gần 2.500 m3 với số tiền bà phải thanh toán là hơn 34 triệu đồng. Nguyên nhân do đường ống nước trong nhà bị bể mà bà không biết.

Bà Yến mong công ty cấp lại nước để gia đình sinh hoạt. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bà Yến mong công ty cấp lại nước để gia đình sinh hoạt. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Với số tiền phải thanh toán quá lớn như vậy, bà Yến đã nhiều lần nộp đơn xin cứu xét đến Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa (công ty), với mong muốn xin được giảm số tiền đóng vì đây là sự cố không mong muốn. Sau đó, công ty đã tính lại và giảm số tiền nước kỳ tháng 10-2021 còn hơn 26 triệu đồng.

Theo bà Yến, với số tiền hơn 26 triệu đồng đối với gia đình bà cũng là rất lớn nên bà không thể thanh toán một lần được. Và gia đình bà đã nợ số tiền này với công ty cho đến nay. Từ tháng 11-2021, sau khi khắc phục, sửa chữa đường ống nước, gia đình bà vẫn xài nước, đóng phí đầy đủ. Đến ngày 13-10-2022, nhân viên của công ty đã xuống cắt nước của gia đình bà.

Cũng theo bà Yến, đã hơn 10 ngày nay, mọi sinh hoạt của gia đình bà rất khó khăn. Vì không có nước máy sử dụng nên việc ăn uống đều phải mua nước bình bên ngoài, tắm giặt thì phải sang nhà người thân.

“Hiện nay hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, rất mong công ty cấp nước xem xét giảm thêm tiền nước và cho gia đình tôi trả theo định kỳ, chứ bây giờ trả một lần thì gia đình tôi không có khả năng. Đồng thời, tôi cũng mong công ty sớm xem xét hỗ trợ cung cấp lại nước để gia đình sử dụng” - bà Yến nói.

Đã xem xét hỗ trợ cho khách hàng

Trao đổi với PV, ông Lê Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Tân Hòa, cho biết đối với trường hợp của bà Hoàng Hải Yến, việc đơn vị tạm ngưng cung cấp nước là do một năm trước gia đình bà chưa thanh toán tiền nước kỳ tháng 10-2021.

Nguyên nhân khiến mức tiêu thụ nước tháng 10-2021 của gia đình bà Yến tăng cao là do đường ống nước bên trong đồng hồ của gia đình bà bị bể mà gia đình không biết.

Về gốc độ giải quyết đề nghị của gia đình bà Yến, trước đây, sau khi nắm được sự việc và nhận đơn xem xét của bà Yến, công ty đã tính lại đơn giá tiền nước. Cụ thể, công ty đã xem xét điều chỉnh lại giá nước tháng 10-2021 theo giá bình quân chứ không theo giá quy định như trước. Khi được tính lại, bà Yến phải thanh toán tiền nước là hơn 26 triệu đồng.

Với yêu cầu của bà Yến về cách thức thanh toán tiền nước còn nợ theo từng tháng sẽ không thực hiện được, bởi đơn vị cấp nước không thể theo dõi quá trình thanh toán nợ một thời gian dài như vậy.

Ông Thành cho biết thêm nếu gia đình bà Yến thật sự khó khăn, công ty sẽ xem xét và hướng dẫn bộ phận chức năng tính lại giá nước kỳ tháng 10-2021 theo giá trong định mức nước. Nếu tính theo giá trong định mức, số tiền nợ kỳ 10-2021 mà bà Yến phải trả chỉ hơn 15 triệu đồng.

Việc thanh toán tiền nợ này bà Yến cam kết phải thanh toán đến cuối tháng 12-2022. Ngoài ra, khi gia đình bà Yến cam kết việc thanh toán theo hướng giải quyết trên thì đơn vị cấp nước sẽ mở nước lại cho bà Yến sử dụng.•

Cách tránh tình trạng hóa đơn tiền nước tăng cao?

Có nhiều nguyên nhân khiến hóa đơn tiền nước đột ngột tăng cao và khách hàng cần kiểm tra định kỳ để tránh tình trạng rò rỉ nước.

Đầu tiên, nếu hóa đơn tiền nước tăng cao mà nhu cầu sử dụng không nhiều thì khách hàng cần kiểm tra lại hệ thống ống nước. Việc kiểm soát hệ thống đường ống nước sẽ giảm thiểu tình trạng rò rỉ, gây thất thoát nước.

Khi khách hàng nhận thấy tình trạng rò rỉ nước sau đồng hồ hoặc hóa đơn tiền nước đột ngột tăng cao, khách hàng cần tiến hành kiểm tra rò rỉ ở tất cả thiết bị.

Khách hàng cần xác định vị trí lắp đặt đồng hồ nước, thường đồng hồ nước được lắp đặt trong khuôn viên bất động sản của khách hàng. Sau đó, khách hàng cần đóng hết các van, vòi nước, thiết bị sử dụng nước trong suốt quá trình kiểm tra.

Sau khi đóng tất cả thiết bị sử dụng nước, tiến hành quan sát mặt số đồng hồ nước, nếu kim hay chỉ số đồng hồ nước dịch chuyển thì có nghĩa là đã có hiện tượng rò rỉ sau đồng hồ. Lúc này, khách hàng có thể tìm nguyên nhân gây rò rỉ.

Ngay sau đó, khách hàng có thể kiểm tra các mối nối, van, vòi nước…, nếu phát hiện rò rỉ hoặc hư hỏng thì tiến hành sửa chữa hoặc thay thế.

Tiếp theo là kiểm tra bồn chứa nước, trường hợp các mối nối và van phao (cơ hay điện) có nước tràn ra khỏi bồn hoặc van đóng không kín gây rò rỉ thì tiến hành sửa chữa và thay thế.

Khách hàng cũng nên kiểm tra rò rỉ nước tại két nước bồn cầu, bằng cách ấn xả hoặc gạt nước để xả hết nước còn lại trong két chứa nước. Sau đó tiếp tục dùng phẩm màu để đánh dấu lượng nước và tiếp tục quan sát. Trường hợp trong lòng bồn nước bị đổi màu hoặc mặt sàn xuất hiện những vệt màu sắc giống với phẩm màu đã dùng, mực nước giảm so với vị trí đánh dấu, chứng tỏ nước bị rò rỉ.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO)

ĐÀO TRANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm