Mượn hồ sơ người khác đi làm, có được hưởng BHXH?

(PLO)- Mượn hồ sơ của người khác đi làm, tham gia BHXH là vi phạm nguyên tắc trung thực và phải kiện ra tòa tuyên hợp đồng lao động vô hiệu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được thông tin của một số bạn đọc mà trước đây họ đã mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để xin việc làm và có tham gia BHXH.

Sau một thời gian làm việc và tham gia BHXH, người lao động (NLĐ) muốn đổi lại thông tin của chính mình trên sổ BHXH để được hưởng quyền lợi sau này nhưng lại gặp khó.

Người lao động đến cơ quan BHXH TP.HCM để thực hiện các thủ tục BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người lao động đến cơ quan BHXH TP.HCM để thực hiện các thủ tục BHXH.

Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hơn 20 năm đóng BHXH bằng tên người khác

Chị Lê Thị Tám (51 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết năm 1999 chị từ quê lên TP.HCM tìm việc làm. Vừa đến TP.HCM chị đã bị mất hết giấy tờ tùy thân. Khi ấy vì phương tiện đi lại khó khăn, lại không còn tiền để về quê làm lại giấy tờ nên chị đã mượn CMND và hộ khẩu của em họ tên VTTT để xin việc làm.

Sau đó, chị Tám được nhận vào làm công nhân ở một công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận và có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), được tham gia BHXH với tên của em họ.

Làm việc đến năm 2006, chị mới có điều kiện về quê làm lại giấy tờ và được cấp CMND mới. Đồng thời, chị cũng được nhập hộ khẩu tại địa chỉ ở quận Bình Tân.

Sau khi làm lại giấy tờ, chị có hỏi nhân viên trong công ty về việc đổi lại thông tin trên sổ BHXH nhưng được trả lời là không thực hiện được. Thế là chị vẫn tiếp tục tham gia BHXH với tên của em họ cho đến nay.

Về phần em họ chị Tám, người này cũng sử dụng CMND đã cho chị Tám mượn để đi làm và được cấp sổ BHXH (khác với sổ BHXH mà chị Tám đã được cấp).

Cũng theo chị Tám, trước đây do cuộc sống khó khăn, chị chỉ biết làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống hằng ngày. Nay tuổi chị cũng đã lớn, chỉ còn vài năm nữa là về hưu. Nghe một số người tư vấn nếu chị không điều chỉnh lại sổ BHXH thì việc nhận lương hưu sau này sẽ gặp khó khăn. Mới đây, chị đến cơ quan BHXH xin điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH theo đúng tên thật của mình. Tại đây, chị được hướng dẫn nộp đơn ra tòa mới được giải quyết. Thế nhưng khi nộp đơn ra tòa thì tòa không nhận.

“Vì hoàn cảnh khó khăn và nhận thức pháp luật không được đầy đủ nên tôi đã mượn giấy tờ của người khác để đi làm. Nay tôi biết việc làm của tôi trước đây là sai. Tôi xin chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Rất mong cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục điều chỉnh thông tin để quyền lợi BHXH của tôi được bảo đảm về sau” - chị Tám nói.

Tương tự, chị LBV (23 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cho biết năm 17 tuổi chị có mượn giấy tờ tùy thân của người chị để xin việc làm tại một công ty ở quận Bình Tân và được đóng BHXH từ đó. Đầu năm 2021, chị của chị V cũng đi làm và tham gia BHXH bắt buộc tại một công ty khác.

Nay chị V cũng muốn tách sổ BHXH đối với trường hợp của mình nhưng không biết thủ tục sẽ được thực hiện như thế nào.

Những trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.

Phải khởi kiện ra tòa

Theo một đại diện BHXH TP.HCM, ngày 31-5, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn 1767 gửi đến UBND các tỉnh, TP và cơ quan BHXH về việc hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là vi phạm nguyên tắc trung thực theo quy định của BLLĐ và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ. Với những trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.

Việc tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và xử lý HĐLĐ vô hiệu là thuộc thẩm quyền của TAND.

Cũng theo đại diện BHXH TP.HCM, ngày 26-8, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có công văn gửi UBND TP về việc triển khai thực hiện Công văn 1767. Theo đó, sở này thông tin trong quá trình thực hiện Công văn 1767 đã gặp một số vướng mắc.

Cụ thể như trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động, khi NLĐ nộp đơn khởi kiện tại TAND quận, huyện để yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu nhưng tòa trả lại đơn và yêu cầu cung cấp biên bản hòa giải của hòa giải viên. Tuy nhiên, NLĐ khi có đơn đề nghị gửi Phòng LĐ-TB&XH thì đã hết hiệu lực hòa giải theo quy định.

Đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động đã giải thể, cũng trả lại đơn với lý do không có chủ thể khởi kiện.

Trường hợp người mượn hoặc người cho mượn hồ sơ đã chết, mất tích, định cư ở nước ngoài hoặc không xác định nơi cư trú, khi NLĐ nộp đơn thì TAND cũng trả lại đơn.

Với những vướng mắc trên, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trao đổi với các sở, ngành TP thống nhất và tham mưu dự thảo trình UBND TP.HCM để kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp, TAND, VKSND có ý kiến hướng dẫn, giải quyết vướng mắc nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa các ngành liên quan khi thực hiện nội dung tại Công văn 1767 của Bộ LĐ-TB&XH.•

Mượn hồ sơ của người khác đi làm là vi phạm pháp luật

Khoản 4 Điều 17 Luật BHXH quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022, phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, đối với việc mượn hồ sơ của người khác để đi làm và tham gia BHXH là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm