Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 hiện đang bị lạm dụng (theo Luật LLTP, phiếu LLTP số 2 là phiếu cấp cho cơ quan tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình).
Cụ thể, theo Luật LLTP, nội dung tình trạng án tích tại phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa của người từng bị kết án. Trong khi đó, theo pháp luật hình sự, người được xóa án tích được coi như là người chưa từng bị kết án. Mặt khác, theo Hiến pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Từ năm 2012, số lượng cá nhân yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 ngày càng tăng, chủ yếu phục vụ yêu cầu xin thị thực nhập cảnh hoặc làm một số thủ tục khác tại các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, xin giấy phép an ninh hàng không, chứng khoán, việc làm... Điều này đã ảnh hưởng đến quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là người đã được xóa án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý.
“Để giải quyết tình trạng lạm dụng cấp phiếu LLTP số 2 hiện nay, cần thiết phải sửa đổi quy định tại Luật LLTP theo hướng phiếu này chỉ được cấp cho cơ quan tố tụng, không cấp cho cá nhân. Cá nhân có quyền tiếp cận thông tin về LLTP của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, không được phép sao chép để bảo đảm tránh tình trạng lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền về bí mật đời tư của cá nhân” - ông Hùng đề nghị.
Đa số ý kiến thảo luận đều nhất trí cần sửa đổi quy định này. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cần nghiên cứu thêm về phiếu LLTP số 2 nhưng nhất thiết phải có quy định để tránh lạm dụng với tinh thần không ảnh hưởng đến các luật hiện hành có liên quan.