Sáng 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2017 với 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chủ trì hội nghị.
Tình trạng nợ văn bản giảm mạnh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với năm 2015, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 11- 2016 còn nợ 24 văn bản, đặc biệt, số văn bản nợ đọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ còn nợ ba văn bản.
Bộ Tư pháp cũng cho biết nhiều văn bản quy định chi tiết chưa đảm bảo có cùng hiệu lực với luật, pháp lệnh. Cụ thể, có 36/68 văn bản đã ban hành không bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Cũng theo Bộ Tư pháp, chất lượng thẩm định dự thảo văn bản và chất lượng của một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa cao, còn có sai sót.
“Còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bám sát các kế hoạch xây dựng các VBQPPL. Chẳng hạn việc xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, mặc dù có thời gian chuẩn bị khá lâu nhưng nhiều cơ quan chỉ xây dựng, trình vào giai đoạn cuối, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản” - báo cáo của Bộ Tư pháp dẫn chứng.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng pháp luật hiện nay còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.
“Xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là anh xây dựng được bao nhiêu luật mà là trình độ người làm luật, thẩm tra, thẩm định luật đó. Cái này chúng ta còn nhiều bất cập” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng mạnh mẽ cảnh báo tình trạng luật ban hành nhiều nhưng thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thậm chí rất yếu, không nghiêm. Điều này dẫn đến tình trạng nhờn luật trong xã hội.
Trong khi đó thủ tục hành chính ở nước ta còn phức tạp, cản trở đến phát triển, kể cả lĩnh vực của chính ngành tư pháp phụ trách. “Mấy khi được như tỉnh Đồng Tháp, khi sinh một đứa con, khi đăng ký kết hôn đều nhận được thư chúc mừng của UBND xã đó. Ở ta vẫn còn nhiều tình trạng xin-cho, gây khó khăn cho người dân” - người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành tư pháp mạnh lên, đáp ứng đúng vai trò, vị trí của ngành mình. Ảnh: ĐỨC MINH
Pháp luật phải kiểm soát quyền lực
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chín nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.
“Nơi nào có quyền lực nơi đó phải có giám sát, luật pháp phải theo hướng đó. Pháp luật phải kiểm soát quyền lực, khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai thì phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực đó, kể cả đối với Thủ tướng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu cần tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hỗ trợ giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi của thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý ngành tư pháp cần làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.
“Chúng ta không chấp nhận pháp luật được ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp phải làm gương việc này. Không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà vì lợi ích riêng của đơn vị, ngành hay một nhóm người nào đó. Việc này thời gian qua khá nhiều…” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu dù Luật Ban hành VBQPPL mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) nhưng Bộ Tư pháp cũng cần rà soát lại, nhất là quy trình làm luật và có báo cáo gửi Chính phủ.
Cạnh đó, để pháp luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng gợi ý trong thời đại của Facebook, Zalo… như hiện nay, chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới phương thức phổ biến giáo dục pháp luật. Cần định hướng dư luận xã hội, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, DN, chú trọng tư vấn, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
“Tôi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Long (Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long - PV) là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành tư pháp mạnh lên, đáp ứng đúng vai trò, vị trí của ngành? Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ ngành tư pháp cả nước phát huy được hết trí tuệ và trách nhiệm?...” - Thủ tướng nói trước khi kết thúc bài phát biểu của mình.
Đáp lại câu hỏi của Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sau đó nói đây là câu hỏi mà bắt đầu từ năm 2017 toàn ngành phải nỗ lực tìm câu trả lời trả lời.
TP.HCM tập trung xây dựng đội ngũ pháp chế mạnh Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn pháp lý trong quá trình phát triển, hội nhập của TP.HCM. TP.HCM tập trung xây dựng đội ngũ pháp chế mạnh nhằm đảm bảo được cơ sở pháp lý và chất lượng trong công tác tham mưu. Lãnh đạo TP cũng luôn quan tâm và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, củng cố kiện toàn các tổ chức pháp chế. Từ 4/14 sở có phòng pháp chế năm 2011 đến nay con số này đã tăng lên đến 11/14. Đáng chú ý, có một số sở, ngành không thuộc 14 cơ quan chuyên môn phải thành lập phòng pháp chế cũng đã thành lập phòng này và hoạt động hiệu quả như Sở Quy hoạch-Kiến trúc, thanh tra TP, Công an TP… Hằng năm, TP.HCM thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập trung huấn luyện chuyên sâu từng kỹ năng cho cán bộ pháp chế, thậm chí “cầm tay chỉ việc” nên rất thiết thực và hiệu quả.
Chính nhờ việc này công tác pháp chế trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ hơn về cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, tỉ lệ thực hiện chương trình lập quy hằng năm của TP.HCM đều tăng. Liên quan đến kết quả hoạt động của ngành tư pháp TP.HCM năm 2016, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở Tư pháp TP Huỳnh Văn Hạnh cho hay năm 2016 là năm đầu tiên Sở Tư pháp TP triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và đã làm rất thành công. Sở đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư công sức để soạn cẩm nang hộ tịch có yếu tố nước ngoài chuyển giao về cho quận, huyện. Quá trình chuyển giao thẩm quyền cũng đã không gây bất kỳ trở ngại nào cho người dân. “Năm 2016, việc thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp cho người dân cũng đạt rất nhiều khả quan, đã kéo giảm tỉ lệ trễ hạn từ 20% xuống còn 4,6% và chúng tôi đang hướng tới nói không với trễ hạn” - ông Hạnh cho biết. Đồng thời tạo tiền đề để đề xuất Bộ Tư pháp trình Chính phủ bổ sung vào luật theo hướng cấp lý lịch tư pháp thuận lợi nhất cho người dân bất kể là thường trú hay tạm trú. Vì hiện nay TP.HCM là địa phương có số lượng người dân tạm trú rất lớn, họ có quyền làm ăn, sinh sống theo hiến pháp, có thể sống bất cứ nơi đâu có điều kiện, tuy nhiên hiện nay họ phải quay về địa phương để xin lý lịch tư pháp là rất bất tiện. Theo ông Hạnh, TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Sở trong năm 2017 là tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp thông qua công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Được biết trong năm 2016, Sở Tư pháp TP.HCM đã phối hợp với các sở, ban, ngành TP thực hiện việc thống kê, rà soát khoảng 1.500 thủ tục hành chính (ba cấp). Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND TP đã ban hành 26 quyết định công bố 10.003 thủ tục. Hiện có 400 thủ tục đang được hoàn chỉnh để trình tiếp lên chủ tịch UBND TP. Đây là một nỗ lực rất lớn của TP.HCM trong cải cách hành chính nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong thủ tục hành chính rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp. VIỆT HOA ____________________________ Những con số ấn tượng năm 2016 của ngành tư pháp - Hơn 4.500 thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa (trong tổng số 4.723 thủ tục được Chính phủ phê duyệt, đạt tỉ lệ 95,85%). - Gần 3.600/4.008 thủ tục hành chính đã thực hiện chuẩn hóa từ các bộ, ngành (đạt 89,5%). - Gần 280.000 trẻ được khai sinh và cấp số định danh cá nhân bằng hệ phần mềm đăng ký khai sinh. - Hơn 342.000 phiếu lý lịch tư pháp đã được cấp (tăng 11,64% so với năm 2015). - Trên 1,4 triệu cuộc tuyên truyền cho gần 85 triệu lượt người. - Đã thi hành xong hơn 530.400 việc (trong tổng số 675.429 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 78,53%, vượt chỉ tiêu được giao 8,53%). |