Vừa qua, có một số bạn đọc đã gửi câu hỏi về fanpage của báoPháp Luật TP.HCM về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT thì sẽ bị phạt như thế nào?
Vấn đề này được luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 về chấp hành báo hiệu đường bộ: Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Như vậy, theo quy định trên thì khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Do đó, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 46/2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì người điều khiển phương tiện vi phạm nếu không dừng xe khi có yêu cầu của CSGT thì sẽ bị phạt tiền và áp dụng hình phạt phạt bổ sung.
Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016). Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 12 điều này thì người điều khiển ô tô vi phạm hành vi kể trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.
Đối với người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (theo quy định tại điểm m khoản 6 Điều 6). Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm b khoản 12 Điều 6 thì người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.