Không chấp nhận năn nỉ để khỏi xin lỗi

Vụ VKSND tỉnh Tây Ninh tỏ ý mong muốn ông Nguyễn Thanh Cần - người bị oan trong vụ án “trộm tiền của vợ” - thông cảm, chấp nhận cho viện khỏi phải tổ chức xin lỗi công khai và đăng lời xin lỗi trên báo đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc tổ chức xin lỗi công khai và đăng lời xin lỗi trên báo là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng phải làm khi đã lỡ làm oan công dân vô tội nên không có gì phải xấu hổ và đi năn nỉ người bị oan.

Không nên thương lượng để miễn xin lỗi

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một) cho rằng cơ quan làm oan không nên chủ động thương lượng với người bị oan để được miễn việc xin lỗi công khai. Đây là quyền của người bị làm oan được quy định tại khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Theo TS Hưng, cụ thể hóa điều này, Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu về việc khôi phục danh dự của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai. Cụ thể, cơ quan làm oan phải trực tiếp xin lỗi công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan, có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đại diện của cơ quan nơi họ làm việc. Ngoài ra, cơ quan làm oan phải thực hiện đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị oan. Nếu người bị oan đã chết thì thân nhân của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự.

“Chỉ có việc bồi thường oan thì vấn đề thương lượng mới được đặt ra. Theo đó, Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho phép cơ quan làm oan thương lượng việc bồi thường với người bị oan tại trụ sở của mình hoặc tại UBND cấp xã nơi người bị oan cư trú. Nguyên tắc chung là cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép, còn người dân thì được làm những gì luật không cấm. Ở đây, luật quy định cơ quan làm oan phải công khai xin lỗi và đăng báo lời xin lỗi thì anh phải làm chứ anh không được phép năn nỉ để không làm” - TS Hưng phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Cần, người bị oan mà VKSND tỉnh Tây Ninh xin được miễn công khai xin lỗi. Ảnh: THANH TÙNG

Về lý lẫn tình: Phải xin lỗi

Ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) nói thực tế có nhiều buổi xin lỗi công khai thường diễn ra chóng vánh, chỉ khoảng trên dưới 30 phút, cá biệt có vụ chỉ khoảng 10 đến 15 phút. Việc cơ quan làm oan chủ động năn nỉ người bị oan để xin miễn tổ chức xin lỗi như ở Tây Ninh là điều không chấp nhận được.

Theo ông Hùng, nếu đặt lên bàn cân giữa cái uy tín, danh dự đó để so sánh với những mất mát của người bị oan thì sẽ thấy chênh lệch rất lớn. Khi bị làm oan, cuộc sống của người bị oan thường rơi vào bế tắc, gia đình ly tán, tinh thần hoảng loạn, vợ xa chồng, con mất tương lai… Đó là những mất mát khủng khiếp mà họ phải gánh chịu. Về mặt xã hội, việc xin lỗi công khai người bị oan thể hiện tính nhân văn đặc biệt. Bởi nó giúp xã hội đón nhận lại một công dân bị oan trở về đời sống bình thường với cộng đồng và với người thân. Do vậy việc xin lỗi càng được tổ chức nhanh chóng và làm sớm thì càng tốt.

“Tôi cho rằng xét cả về góc độ pháp luật, tình cảm lẫn đạo đức thì việc xin lỗi công khai người bị oan tại địa phương và trên báo chí là đặc biệt cần thiết và không thể không làm” - ông Hùng phân tích.

Phải sòng phẳng với người bị oan

Viện trưởng VKSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) Trương Khắc Thiện cho rằng việc chủ động xin lỗi, khôi phục danh dự cho người bị oan là trách nhiệm của cơ quan làm oan. Đây còn là việc thể hiện đạo đức giữa cơ quan nhà nước với công dân, là biểu hiện cần thiết của văn minh pháp lý. Việc công khai xin lỗi luôn thu hút người dân địa phương đến dự và đây chính là cơ hội để cơ quan làm oan thể hiện trách nhiệm, thái độ thành tâm của mình với người dân. Từ đó, có khi hình ảnh của người cán bộ nhà nước, của cơ quan tố tụng còn cao đẹp hơn trong mắt người dân.

“Trong năm 2015, VKS huyện chúng tôi từng tổ chức xin lỗi bà Hà Ngọc Bích (người bị truy tố oan về tội hủy hoại tài sản khi đập nhà của mình, Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh) với một thái độ cầu thị, tôn trọng. Tôi nghĩ nhân vô thập toàn, có làm thì có sai, không ai lúc nào cũng đúng. Nhưng đã lỡ sai rồi thì phải ứng xử sao cho cầu thị, thể hiện trách nhiệm của mình, để người bị oan cảm thấy không bị xúc phạm thêm nữa. Chúng ta cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị oan sẽ rõ, bao nhiêu mất mát, bao nhiêu tủi hận không thể đong đếm hết” - ông Thiện nói.

Người bị oan như tôi khổ lắm

Không chấp nhận năn nỉ để khỏi xin lỗi ảnh 2
 
Tôi là người từng được VKSND TP.HCM tổ chức xin lỗi oan vào ngày 11-8-2015. Tôi bị truy tố oan về hai tội giết người và cướp tài sản, bị tạm giam oan 1.346 ngày và hàng chục năm đi khiếu nại đòi bồi thường.

Hôm đó tôi không kịp nói lời nào thì họ đã kết thúc buổi xin lỗi sau khi đọc vài lời xin lỗi qua loa. Tôi buồn lắm vì họ đã không thành tâm nhận cái sai, cái khuyết về mình, đến mức luật sư bảo vệ miễn phí cho tôi còn phải bật khóc vì thương tôi. Trong khi đó, tôi muốn nhân buổi xin lỗi ấy có thời gian để trình bày trước nhiều người nhằm bảo vệ danh dự của mình. Người bị oan như tôi khổ lắm, cuộc sống tan nát hết. Vì vậy, cơ quan làm oan phải tôn trọng chúng tôi…

Ông TRƯƠNG BÁ NHÀN

Tôi hài lòng về buổi xin lỗi tôi

Không chấp nhận năn nỉ để khỏi xin lỗi ảnh 3
Ông Trương Khắc Thiện, Viện trưởng VKSND huyện Tân Phú, bắt tay xin lỗi bà Hà Ngọc Bích. Ảnh: NGÂN NGA

Hôm ấy, bản thân tôi cảm thấy rất vui vì mình được tôn trọng khi VKSND huyện Tân Phú, Đồng Nai tổ chức xin lỗi tại địa phương một cách bài bản, có trách nhiệm. Tôi nghĩ người đứng đầu cơ quan làm oan phải có trách nhiệm xin lỗi công khai, đừng vì cái sĩ diện cá nhân, vì cái ghế của mình mà thoái thác hoặc chối bỏ trách nhiệm của cơ quan làm oan.

HÀ NGỌC BÍCH

VKSND tỉnh Tây Ninh phải công khai xin lỗi

Ngày 4-1, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc VKSND tỉnh Tây Ninh năn nỉ người bị oan khỏi phải xin lỗi công khai, một lãnh đạo VKSND Tối cao nêu quan điểm: “Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì VKSND tỉnh Tây Ninh phải có trách nhiệm thực hiện bồi thường, xin lỗi tại địa phương và đăng lời xin lỗi trên hai tờ báo địa phương và trung ương. Ông Nguyễn Thanh Cần mới chỉ nhận được tiền bồi thường oan. Như vậy, VKSND tỉnh Tây Ninh còn “nợ” việc xin lỗi công khai tại địa phương nơi ông Cần cư trú và xin lỗi công khai trên báo”.

Vị lãnh đạo này nói thêm: “Việc truy tố oan sai khiến cho người bị truy tố chịu thiệt hại vật chất lẫn tinh thần nên việc thực hiện xin lỗi công khai là nghĩa vụ, là cái tâm của cơ quan công tố. Việc xin lỗi phần nào xoa dịu nỗi oan mà đương sự phải gánh chịu. VKSND Tối cao sẽ đề nghị lãnh đạo VKSND tỉnh Tây Ninh báo cáo vụ việc trên, đã truy tố sai thì phải dũng cảm xin lỗi”.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm