Không cho xe buýt xấu, bẩn lưu thông

Ngày 30-12, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định sẽ yêu cầu thanh tra sở và các phòng nghiệp vụ kiểm tra xe buýt trên diện rộng. Những xe xấu, bẩn, không đạt chất lượng sẽ không được lưu thông.

Tại buổi tổng kết năm của ngành vận tải đường bộ TP cùng ngày, ông Phạm Đình Đức, Phó phòng Vận tải công nghiệp, Sở GTVT, cho hay: Năm 2010, xe buýt đã vận chuyển trên 36 triệu lượt hành khách, tăng 5% so với năm trước. Tuy nhiên, tổng kinh phí trợ giá năm 2010 ước phải trên 841 tỉ đồng, tăng hơn 141 tỉ đồng so với dự toán được giao đầu năm. Nguyên nhân do giá nhiên liệu và tiền lương tăng nên phải áp dụng đơn giá mới.

Ông Dương Hồng Thanh nhìn nhận trong năm 2010, thái độ phục vụ hành khách của nhân viên xe buýt đã tốt hơn sau khi được cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, chấn chỉnh. Tuy nhiên, lại phát sinh vấn đề chất lượng phương tiện xuống cấp. “Từ nay đến năm 2015, TP cần đầu tư 1.700 xe buýt để thay thế dần các xe hư hỏng. Chúng tôi đang kiến nghị TP có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào xe buýt” - ông Thanh bày tỏ.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng than phiền về sự không đồng bộ của các quy định pháp luật. Có lĩnh vực, chính những quy định thiếu thực tế, “từ trên trời rơi xuống” (lời một đại biểu) đã dẫn đến 100% đơn vị trong ngành đều vi phạm. Cạnh đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, còn so bì taxi với xe buýt. Ông Hỷ nói: “Sản lượng taxi trong năm 2010 đạt trên 16,9 triệu hành khách, tương đương một nửa sản lượng của xe buýt. Nhưng TP lại có nhiều ưu ái cho xe buýt mà hoàn toàn không có chính sách nào hỗ trợ cho hoạt động của taxi”.

Về vấn đề này, ông Dương Hồng Thanh cho biết Sở GTVT đang triển khai lập quy hoạch phát triển taxi trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó sẽ xác định lại số lượng taxi trong từng thời kỳ (hiện TP có 12.061 xe taxi và đã ngưng phát triển thêm - NV), cơ sở vật chất cho taxi cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển.

Cùng ngày, Sở GTVT TP cũng tổ chức tổng kết công tác năm 2010 của khối giao thông đường thủy. Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, hiện có nhiều dự án của ngành đường thủy TP đang chậm tiến độ do các địa phương chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó có hai dự án trọng điểm là khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn đến Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 và khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai.

Cũng theo ông Bằng, tình hình sạt lở trong năm 2010 giảm đến 60% so với năm 2009. Tuy nhiên, hiện toàn TP vẫn còn 45 điểm có nguy cơ sạt lở cao ở các quận, huyện 2, 4, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè và Cần Giờ. Để phòng ngừa sạt lở, ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu đường sông, đề nghị các địa phương xử lý kiên quyết những trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn của sông, kênh, rạch. Được biết, hiện toàn TP vẫn còn 40 vụ lấn chiếm kênh, rạch chưa xử lý được.

MINH PHONG - VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới