Không có chữ ‘ưu tiên nam’ trong bảng tuyển dụng

Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động”, ngày 5-3, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã tổ chức chuyến thực địa cho nhà báo, phóng viên và chuyên gia về tham quan, làm việc tại Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Đức Hòa, Long An).

Tại đây, tọa đàm với chủ đề “Bộ luật Lao động (sửa đổi) - Tiếng nói từ doanh nghiệp và người lao động” cũng đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần hướng mở

Theo luật sư Nguyễn Giang Nam, trong điều kiện làm việc bình thường, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60, nữ đủ 55 nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu thấp hơn rất nhiều. Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%.

Trên quan điểm cá nhân, ông Nam cho rằng không có một đáp số chung cho tuổi nghỉ hưu, các nhà làm luật phải dựa vào tình hình thực tế của quốc gia mình để điều chỉnh cho phù hợp tuổi nghỉ hưu.

“Tuổi nghỉ hưu không chỉ của riêng người lao động, nó ảnh hưởng tới doanh nghiệp, tới chính sách an sinh xã hội. Cần để người lao động lựa chọn tuổi nghỉ hưu dựa vào nhu cầu và khả năng của các bên. Thực tế hiện nay có những trường hợp người lao động vẫn còn sức khỏe tốt nhưng lại đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện về số năm đóng BHXH. Trong những trường hợp như vậy, các nhà làm luật nên trao quyền lựa chọn cho người sử dụng lao động và người lao động tự quyết định về việc nghỉ hưu độ tuổi nào cho hợp lý nhưng phải phù hợp pháp luật. Làm được như vậy vừa hợp tình hình thực tế, phù hợp với thỏa thuận lao động nhằm thúc đẩy trách nhiệm chung của các bên” - luật sư Nguyễn Giang Nam khẳng định.

Cần quy định mở cho tuổi nghỉ hưu của lao động dựa trên từng đối tượng ngành nghề khác nhau. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Phân chia lao động dựa trên năng lực

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Quản lý khách hàng chiến lược của Tập đoàn Manpower Group, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều giới hạn mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải do định kiến và truyền thống, ví dụ như mức lương thấp hơn đồng nghiệp nam cho cùng một vị trí, một công việc, hay phụ nữ sống ở miền biển không được phép lên tàu hay trở thành thuyền trưởng.

“Trong quá trình cung ứng nhân lực cho khách hàng, chúng tôi không bao giờ đặt ra câu hỏi ưu tiên cho nữ hay nam vào làm việc. Nếu khách hàng có xu hướng tuyển lao động nam, chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này và có hướng tư vấn phù hợp” - ông Nguyễn Xuân Sơn nói.

Là người sử dụng lao động, ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, cũng cho rằng cần loại bỏ sự phân biệt giới tính trong các doanh nghiệp. “Chủ doanh nghiệp nên dựa vào nhu cầu, tính chất của công việc để sử dụng lao động phù hợp chứ không phải giới tính. Trong 20 năm qua, công ty chúng tôi không có một bảng tuyển dụng nào ghi dòng chữ ưu tiên nam” - ông Hùng nói.

Nên có xu hướng mở để người lao động có thể lựa chọn độ tuổi làm việc, tuổi nghỉ hưu phù hợp với năng lực, sức khỏe và tính chất công việc của bản thân chứ không phải dựa vào giới tính.

Bởi trên thực tế, nhiều phụ nữ vẫn có khả năng làm việc ở độ tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu đang được quy định. Ngoài ra, việc để lao động nữ lựa chọn tuổi nghỉ hưu còn góp phần xóa dần khoảng cách phân biệt giới trong lao động.

Bà HOÀNG THỊ THU HƯỜNGPhó Viện trưởng Viện iSEE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm