Chiều 9-6, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Nhiều vấn đề mà các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời nhưng các ĐB chưa thỏa mãn đã được Phó Thủ tướng giải đáp, lý giải thêm.
Sẽ làm rõ 33.500 tỉ hay 22.000 tỉ đã giải ngân
Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết ngay sau khi QH thông qua Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành sáu nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng đã ban hành ba quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay đối với học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Ông cho hay đến hết tháng 5-2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỉ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân hơn 4.800 tỉ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người theo Nghị quyết 11.
Nghe báo cáo, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) tranh luận bảy ngày trước, vào ngày 2-6, phát biểu trước QH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói đến hết tháng 5, Chính phủ giải ngân được 22.000 tỉ trên 300.000 tỉ đồng trong gói phục hồi kinh tế.
“Như vậy, cùng một thời điểm, tính toán số liệu giải ngân khác nhau...” - bà Mai nói.
Trả lời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay các cơ quan liên quan là Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT sẽ phải đối chiếu lại số liệu. Bởi giải ngân vốn, báo cáo từng thời kỳ là khác nhau - đây là nội dung mà trong nhiều cuộc họp của Chính phủ cũng đã nêu.
Phó Thủ tướng cũng cho hay trong giải ngân vốn đầu tư công, theo cách tính của Bộ Tài chính là trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ Kho bạc Nhà nước; còn báo cáo của các tỉnh, thành, các dự án là thực tế thực hiện nên luôn có sự chênh lệch.
“Tôi sẽ kiểm tra lại số liệu để có con số chính xác trong báo cáo của Chính phủ” - ông Minh nói.
Hơn 1.000 cơ sở nhà đất công chưa xử lý
ĐB Nguyễn Hồng Hạnh (TP.HCM) nêu trong việc quản lý và sử dụng tài sản công, đất công, có tình trạng các kho bãi, dự án của các bộ, ngành ở các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án, bị bỏ hoang nhiều. Trong khi đó, quỹ đất của địa phương thì hạn hẹp, thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, các công trình cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
“Chính phủ đánh giá như thế nào về thực trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết tình trạng này như thế nào?” - ĐB TP.HCM chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo đó, nghị định yêu cầu thực hiện việc rà soát, đối với nhà đất, cơ sở nhà đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan, đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý; thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển giao quyền sử dụng đất về cho địa phương quản lý và xử lý.
Ông thông tin: Quá trình thực hiện, tổng hợp báo cáo của chín bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương cho thấy tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là gần 10.300 cơ sở. Kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư là giữ lại tiếp tục sử dụng hơn 8.100 cơ sở; thu hồi 117 cơ sở; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236 cơ sở; 302 cơ sở chuyển giao về cho các địa phương xử lý.
“Hiện chưa xử lý khoảng hơn 1.000 cơ sở” - ông Minh thông tin.
Nêu giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cùng các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là khu vực đất còn để hoang hóa, không sử dụng để tăng cường sử dụng.
Không có lợi ích nhóm khi xây dựng văn bản QPPL
Liên quan đến công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), ĐB Cẩm Hà Chung (Phú Thọ) nêu “có ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” và đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục.
Đáp lời, Phó Thủ tướng cho rằng nếu có vấn đề này, phải chỉ rõ lợi ích nhóm nào, chỗ nào.
Theo Phó Thủ tướng, để bảo đảm chất lượng văn bản QPPL, Luật Ban hành văn bản QPPL đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản QPPL, nhất là liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Theo đó, cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, sau đó mới đề nghị xây dựng văn bản QPPL. Đặc biệt, khi xây dựng văn bản phải lấy ý kiến đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, các đối tượng bị tác động...
Phó Thủ tướng khẳng định đây là quy trình hết sức chặt chẽ, nếu tuân thủ quy trình này một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương rất khó có thể xảy ra.
“Không thể một cơ quan nào xây dựng luật đó được” - ông Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ cũng đã có biện pháp, nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng văn bản QPPL. Đặc biệt, ông lưu ý cần minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản QPPL, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan Chính phủ, nhất là vai trò của bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ.
“Trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu các bộ trưởng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng các luật, nếu là các cơ quan chủ quản, đề xuất dự án luật” - ông Minh nói.