Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội (QH) đã đề xuất tăng thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH tới đây lên 3-3,5 ngày, thay vì chỉ dừng lại 2-2,5 ngày như bấy lâu nay. Đó là nội dung rất đáng chú ý tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chiều 19-12 về đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3.
Nghiên cứu công khai quan điểm đại biểu “bấm nút”
Trình bày tờ trình về việc này, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay việc tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường là để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của QH. Trên cơ sở đó, tờ trình đề nghị UBTVQH báo cáo QH cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí ba ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Đồng tình với đề xuất trên, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dẫn chứng, qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2, nhiều cử tri cho rằng việc bố trí thời gian chưa đáp ứng vì khi chất vấn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời tại nghị trường. “Vì vậy nên bổ sung vào chương trình kỳ họp những nội dung mà Thủ tướng và bộ trưởng hứa sẽ báo cáo bổ sung khi trả lời chất vấn như các dự án “đắp chiếu” vì đây là lời hứa trước cử tri” - ông Chiến đề nghị.
Cùng nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu những lời hứa của Thủ tướng, các bộ trưởng chưa trả lời trực tiếp tại hội trường và hứa trả lời bằng văn bản thì cần phải có văn bản nhắc nhở báo cáo sớm và công khai. Chủ tịch QH cũng đề nghị Tổng Thư ký QH nghiên cứu hình thức biểu quyết có tên theo hướng thể hiện công khai, minh bạch quan điểm của từng đại biểu để cử tri biết và đánh giá đại biểu của mình.
Theo tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, dự kiến QH sẽ dành 22,5 ngày làm việc (dự kiến khai mạc vào ngày 22-5-2017).
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp của UBTVQH ngày 19-12. Ảnh: QH
Lùi nghị quyết “xử” cán bộ về hưu
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ chưa cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu”.
Nghị quyết này được đưa ra nhằm xây dựng một hành lang pháp lý xử lý kỷ luật những cán bộ không còn hoạt động công vụ. Trước đó, liên quan đến việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 2 của QH đã phê phán nghiêm khắc ông Hoàng do có những vi phạm về quản lý, luân chuyển cán bộ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương…
Cùng với đó, QH cũng giao cơ quan liên quan nghiên cứu cơ sở pháp lý để xử lý kỷ luật công bằng, nghiêm minh đối với trường hợp cán bộ vi phạm nhưng đã nghỉ hưu, tương tự như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và dự án Luật về Hội, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: “Tại kỳ họp thứ 2, QH đã thống nhất chưa thông qua hai dự án luật này, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3. Đề nghị UBTVQH chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật”. |