Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã khẳng định như trên tại buổi khai mạc tập huấn sách giáo khoa vừa diễn ra sáng nay.
Sáng 2-8, Sở GD&ĐT TP.HCM khai mạc tập huấn sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 dành cho giáo viên các trường học trên địa bàn.
Việc tập huấn diễn ra từ 1-8 đến 12-8 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hình thức trực tiếp dành cho sách giáo khoa tiếng Anh, các sách giáo khoa còn lại trực tuyến.
|
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi khai mạc tập huấn sách giáo khoa lớp 7, lớp 10. Ảnh: NQ |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, khi thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới, cách đánh giá giáo viên cũng phải thay đổi.
“Tuy nhiên khi tiếp xúc với giáo viên, nhiều người chia sẻ nếu kết quả học tập của học sinh thấp thì họ bị phê bình, kiểm điểm, thậm chí hạ thi đua. Tôi nghĩ các trường cần phải thay đổi. Tôi đề nghị hiệu trưởng các trường, Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện không đặt nặng kết quả dạy học trong các năm học đầu thay đổi chương trình, đổi mới sách giáo khoa”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng khi chương trình mới hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thì việc xác định, đánh giá có nhiều vấn đề không như mong muốn. Có thể kết quả ban đầu không được như trước nhưng kiên trì, sau một thời gian các em sẽ đạt được những yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Cách đánh giá phải phù hợp với nội dung chương trình, không nên áp cách đánh giá cũ vào chương trình mới. Đặc biệt câu hỏi kiểm tra tất cả các môn đều phải theo hướng xây dựng ma trận đánh giá phẩm chất, đánh giá năng lực học sinh, không phải ra đề thi theo lối mòn. ”, ông Hiếu khẳng định,
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu phòng Giáo dục Trung học sau khi triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tiếp tục thực hiện hội nghị về kiểm tra đánh giá theo chương trình mới. Mục đích để tất cả giáo viên hiểu rõ, xác định cách ra đề kiểm tra định kỳ hướng theo phát triển năng lực của học sinh.
|
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định nhà trường phối hợp với nhà xuất bản cung ứng SGK đến phụ huynh và học sinh. Ảnh: NQ |
Tại buổi khai mạc, liên quan đến việc phụ huynh gặp khó khăn khi tìm mua sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới cho con trước năm học mới, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết năm học 2022-2023, theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7 và 10. Hiện SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các nhà xuất bản đã khẩn trương trong công tác tổ chức in ấn, phát hành, tuy nhiên để sách đến tay người học cần thời gian chuẩn bị của các đơn vị.
Trước thực tế đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học cho rằng, ngành GD&ĐT cần chủ động tạo điều kiện để phụ huynh và học sinh yên tâm trong việc tiếp cận nguồn SGK.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường có trách nhiệm phối hợp với các nhà xuất bản cung cấp SGK đầy đủ kịp thời cho người học. Vì thế, trường học phải xác định nhu cầu, từng loại sách cho từng môn học của học sinh, từ đó làm việc với các nhà xuất bản và đơn vị phát hành để kịp thời có nguồn cung SGK.
Trường hợp phụ huynh muốn tự mua SGK bên ngoài, nhà trường cần giải thích cho phụ huynh hiểu do năm nay SGK lớp 7, 10 là ấn phẩm lần đầu tiên phát hành nên việc phụ huynh tự mua có thể gặp khó khăn.
"Các đơn vị trường học không tổ chức phát hành mà chỉ phối hợp với các nhà xuất bản, hỗ trợ phụ huynh tiếp cận nguồn SGK đảm bảo 3 tiêu chí gồm đúng giá quy định, đầy đủ và kịp thời phục vụ cho nhu cầu sử dụng của học sinh trong năm học mới", ông Tân nhấn mạnh.