Theo TS Vọng, diện tích trồng trọt Việt Nam là 10 triệu ha, 80% dành cho lúa. Vẫn còn độc canh về lúa. Sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam không đồng bộ. Đó là hệ quả của việc không định hướng thị trường, không đầu tư phát triển theo chuỗi ngành hàng.
Phân tích rõ hơn về chuỗi ngành hàng lúa gạo, TS Vọng cho rằng ở Việt Nam từ khâu giống đến khâu sau thu hoạch đều có các viện nghiên cứu nhưng từ khâu bao bì, vận chuyển thì không có cơ quan nào nghiên cứu, quan tâm thị trường muốn gì... Khâu sau thu hoạch ở Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Năm 2012, Việt Nam từng mất 5,75 tỉ USD sau thu hoạch. Phía người nông dân cũng rất thiệt thòi, đến kỳ thu hoạch, nếu có nơi bảo quản họ sẽ chờ được giá mới bán. Nhưng do không có nơi bảo quản, thương lái bắt chẹt, nông dân phải bán lúa với giá rất rẻ.
Ở Úc, tất cả phụ phẩm từ gạo đều được sử dụng triệt để (chẳng hạn cám để làm dầu cám, trấu làm than, rơm sử dụng cho trâu bò…) còn ở Việt Nam thì bỏ hết.
Theo TS Vọng, giải pháp đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam là ngoài nắm giữ được nguồn giống, cần đầu tư khoa học công nghệ theo chuỗi ngành hàng, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch.