Không để nghi can 'chết vì tự sát' trong nhà tạm giam, tạm giữ

Trước phiên bế mạc chiều 26-6, Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết đầu tiên về “tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và đảm bảo bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự”.

Theo đó, QH dù ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan tố tụng các cấp, song nhận định việc phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự vẫn còn hạn chế, bất cập so với yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bảo vệ công lý và quyền con người

Nghị quyết QH giao từng cơ quan tư pháp thực hiện những việc cụ thể, trong đó Chính phủ phải chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp không để xảy ra bức cung, nhục hình; không để xảy ra các trường hợp chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ. Và khi có việc như vậy xảy ra cần làm rõ trách nhiệm cán bộ.


Ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan. Ảnh: VIẾT THỊNH

QH yêu cầu quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án. Khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật.

Nghị quyết yêu cầu Bộ Công an sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra các loại án, về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhất là đối với các vụ án giết người, hiếp dâm không quả tang; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình.

VKSND Tối cao cần chỉ đạo ngành kiểm sát khắc phục tình trạng buông lỏng trách nhiệm, thống nhất một chiều với cơ quan điều tra trong phân loại, xử lý vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, nhục hình.

TAND Tối cao cần chỉ đạo tòa án các cấp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đảm bảo tranh tụng trong xét xử, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Ngành tòa án phải kiên quyết tuyên bị cáo vô tội trong trường hợp không có căn cứ kết tội; chấn chỉnh, khắc phục việc xử phạt bị cáo quá nặng hoặc quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình để chống oan, sai

QH giao TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, Bộ Công an tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của các bị án có mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân, tử hình. Với những vụ mà mức án tuyên chung thân, tử hình nhưng bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy để điều tra lại thì cần giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý chứ không quay trở lại cấp tỉnh từng điều tra vụ án. Khẩn trương giải quyết các vụ án đã quá hạn luật định, xử lý dứt điểm những vụ án đã kéo dài trên năm năm và một số vụ án khác dư luận, cử tri quan tâm.

Ba ngành tố tụng trung ương cần có giải pháp hiệu quả tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; xem xét, điều chuyển biên chế phù hợp cho các địa phương xảy ra nhiều án, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Để nâng cao chất lượng điều tra, chống bức cung, nhục hình, góp phần hạn chế oan, sai, QH yêu cầu Chính phủ đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ.

QH cũng chỉ ra hai thông tư, một công văn liên quan đến điều tra án ma túy và bồi thường thiệt hại cho người bị oan mà qua giám sát đã phát hiện là có nội dung trái, chưa phù hợp với Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, sửa đổi ngay trong năm nay.

Đánh giá chống oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự là một mảng quan trọng của tư pháp hình sự, Nghị quyết của QH yêu cầu Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hằng năm phải báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và QH kết quả thực hiện nghị quyết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm