Qua thông tin thu thập được từ cử tri và giới luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng về mặt số lượng các vụ oan sai nêu trong báo cáo kết quả giám sát oan sai của Quốc hội ít hơn thực tế, làm nhiều người nghĩ rằng tình hình oan sai ít nghiêm trọng. Theo ông, tình hình oan sai thực sự nghiêm trọng, không chỉ ở số lượng mà còn do đặc điểm và tác hại của các vụ oan sai mang lại.
Áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội
. PV: Theo ông, cần phải làm gì để giảm oan sai, thưa ông?
Cần phải hiểu nguyên tắc suy đoán vô tội được đặt ra không phải chỉ dành riêng cho người bị tình nghi phạm tội mà là quyền con người của mọi công dân. Nó giúp cho mọi công dân được sống an toàn, được bảo vệ như những công dân trong một quốc gia có nhà nước pháp quyền, có dân chủ. Đây chính là chỗ có người không hiểu được. Quyền được suy đoán vô tội đã được thiết lập từ hàng trăm năm qua, nó giúp cho xã hội an toàn hơn. Mọi người đều được suy đoán vô tội. Ai muốn kết tội người khác thì phải đi tìm chứng cứ chứng minh. Còn người bị tình nghi phạm tội không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có tội mà mặc nhiên được coi là vô tội.
. Nguyên tắc này đã được áp dụng ở nước ta như thế nào, thưa ông? Nếu không được tuân thủ thì có dễ dẫn đến oan sai?
+ Lâu nay chúng ta vẫn dùng “bản án có hiệu lực pháp luật” để thực hiện nguyên tắc này. Bởi vì cấp sơ thẩm xét xử chưa chắc đã đúng nên cần phải có phúc thẩm. Nếu bản án phúc thẩm bị giám đốc thẩm thì rõ ràng cũng chưa có hiệu lực. Khi đó, bị cáo vẫn được suy đoán vô tội.
Ở nước ta, chiến tranh trải qua một thời gian dài. Sau chiến tranh, âm mưu bạo loạn, lật đổ cũng còn nên tư duy “địch - ta” vẫn chưa thể ngày một ngày hai mà mất đi, ngược lại còn được áp dụng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm dù điều này rõ ràng không phù hợp. Bởi vì dù một người phạm tội giết người, cướp của, buôn bán ma túy nhưng họ vẫn là công dân, sau khi đền tội họ vẫn có khả năng hoàn lương. Thế nên mới có việc xóa án tích. Tất cả những nguyên tắc này làm nên một hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nhân văn, nhân đạo, văn minh và dân chủ. Điều này chưa được thấm nhuần, trở thành phản xạ và thành nền tảng vững chắc trong một bộ phận cán bộ ngành tố tụng. Do đó dễ dẫn đến oan sai.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai vụ năm cựu cán bộ công an dùng nhục hình ở Phú Yên năm 2015. Ảnh: CTV
Thực thi quyền phải có người bào chữa
. Có người cho rằng quy định quyền im lặng cũng là một cách để chống oan sai?
+ Thật ra dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã không dùng từ “quyền im lặng” nữa. Tôi đề nghị chấm dứt tranh luận về quyền im lặng. Có nhiều người cứ lôi lại “quyền im lặng” để nói rằng quyền này là xa lạ, không phù hợp với nước ta. Nhưng chúng ta đã không dùng từ “quyền im lặng” rồi cơ mà! Cái chúng ta cần là nội hàm thực chất của quyền này. Điều chúng ta đang muốn áp dụng là quyền con người, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, quyền của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự:
Thứ nhất là quyền phải có người bào chữa ngay từ khi bị bắt. Quyền này đã có nhưng không được đảm bảo. Người bào chữa không được tham gia vụ án ngay từ đầu vì có nhiều cản trở không hợp lý.
Thứ hai là quyền không khai báo nếu không được sự tư vấn đầy đủ của người bào chữa.
Thứ ba là quyền không buộc phải khai báo những điều bất lợi. Việc này là để bảo vệ bí mật đời tư vì có thể có những điều khi khai ra thì bất lợi cho một người nhưng nó không liên quan gì đến việc người đó có phạm tội hay không. Cơ quan điều tra muốn buộc tội thì phải chứng minh người đó có tội bằng chứng cứ.
Dĩ nhiên, người bị tình nghi có thể sử dụng hoặc từ bỏ các quyền này. Đặc biệt, phải hiểu quyền không buộc phải khai báo những điều bất lợi không có nghĩa là khuyến khích bị cáo im lặng. Tại mình cứ nghĩ rằng bị can, bị cáo đó có tội nên cho rằng quyền đó khuyến khích họ che giấu tội phạm. Nhưng thực ra đó là quyền của mọi người, trước hết là những người vô tội, nghĩa là đa số công dân, không buộc phải khai báo những gì bất lợi cho mình.
. Xin cám ơn ông.
Trọng cung hơn trọng chứng gây oan sai Theo ông Nghĩa, những vụ oan sai vừa qua là do công tác điều tra đi vào hướng dễ dãi: Làm mọi cách cho nghi phạm cung khai nhận tội là được. Trong thực tế, việc đi tìm chứng cứ là công việc nhọc nhằn, khó khăn nhất của một điều tra viên chứ không phải là đi “đôi co” với bị can, bị cáo. Mấu chốt phải là chứng cứ, tức hiện trường, bối cảnh, nhân chứng, sự phân tích, tổng hợp đánh giá thông tin về một vụ án. Từ đó ta mới tái hiện được sự thật, bởi vì ngay cả khi một người thú nhận mình phạm tội nhưng chưa chắc những gì họ khai ra là đúng. Đối với điều tra viên, tất cả lời cung khai, trong đó có lời khai nhận tội chỉ là “dữ liệu đầu vào” để từ đó điều tra viên phải đi xác minh sự thật của chúng. Cho nên điều cuối cùng mà điều tra viên cần có được không phải là lời nhận tội của bị can dù thực sự người đó có phạm tội mà phải là chứng cứ, sự thật khách quan rút ra từ lời nhận tội ấy. |