Tuần này, Quốc hội (QH) sẽ nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Đây là cuộc giám sát đầu tiên của QH về chủ đề này.
Cuộc giám sát được thực hiện ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành rải đều Bắc-Trung-Nam. Đối tượng khảo sát không chỉ là cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án các cấp mà còn cả các cơ quan có thẩm quyền điều tra ban đầu như kiểm lâm, hải quan, biên phòng. Cuộc giám sát này còn được gắn kết với giám sát của 63 đoàn đại biểu QH về cùng chủ đề. Tất cả đã phác lên bức tranh toàn cảnh những hạn chế, yếu kém của cơ quan tư pháp các cấp, cũng như thách thức phải vượt qua để hướng tới một nền tư pháp hiệu quả, tin cậy.
Trong báo cáo được gửi tới các đại biểu QH, ở phần “tình hình oan, sai thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra” có một mục nhỏ về tình hình bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. Theo đó, trong ba năm 2011-2014, đoàn giám sát nắm được 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. Trong số này, theo báo cáo của các cơ quan tố tụng trung ương thì đã có 40 trường hợp được xem xét giải quyết.
Vụ dùng nhục hình làm chết anh Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa (Phú Yên) là một trong những vụ điển hình mà cán bộ công an phải ra hầu tòa. Ảnh: CTV
Trong số vụ đã giải quyết này thì 26 vụ đã dẫn tới kết quả phải khởi tố 40 cán bộ công an về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó 12 vụ/24 bị can đủ cấu thành tội dùng nhục hình. Điển hình là vụ nhiều cán bộ công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình làm chết anh Ngô Thanh Kiều; vụ các điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng dùng nhục hình ép bảy người khai nhận là đồng phạm giết người trong một vụ mà họ không hề liên quan…
Mổ xẻ hồ sơ các vụ án điển hình này, đoàn giám sát chỉ ra rằng bức cung, nhục hình thường diễn ra ngay sau khi bắt, tạm giữ hoặc khi lấy lời khai mà đối tượng không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh với loại tội phạm này thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín, chỉ có người lấy lời khai và người bị tình nghi phạm tội. Nhiều trường hợp phải đợi khi ra tòa, bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là người bị tạm giữ chết, có tố cáo gay gắt tới nhiều cấp thì mới được chỉ đạo xác minh và phát hiện được sai phạm.
Đoàn giám sát cho rằng nhìn chung, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ. Kể cả khi đã đưa được số cán bộ công an sai phạm ra pháp luật thì kết quả điều tra, truy tố, xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.
Bức cung, nhục hình chỉ là một phần trong phát hiện của đoàn giám sát. Nhiều khía cạnh khác bao gồm cả thực thi, áp dụng pháp luật trên thực tế, hạn chế yếu kém của người tiến hành tố tụng, lẫn bất cập trong quy định hiện hành đã được phân tích, mổ xẻ khá toàn diện. Đây là một báo cáo quan trọng để QH có thêm thông tin làm căn cứ cho thảo luận, góp ý cho việc sửa đổi các luật nền tảng của tư pháp hình sự, như BLHS, BLTTHS, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự...
Bốn vấn đề lớn của dự án sân bay Long Thành Cũng trong tuần này, QH sẽ nghe Chính phủ báo cáo và quyết định chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Để các đại biểu QH có thêm thông tin, hôm nay (1-6), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn công khai, toàn cảnh về dự án đồ sộ này. Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, người tham gia tổ chức diễn đàn, xung quanh dự án có quy mô vốn đầu tư nhiều tỉ đô này đang nổi lên bốn vấn đề lớn cần giải đáp. Thứ nhất, với tầm nhìn 20-30 năm nữa của một Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng thì có cần một cảng hàng không với tính chất như một tổ hợp công nghiệp dịch vụ hàng không? Thứ hai, nếu nhu cầu đó là có thật thì sự cấp bách thế nào? Khu vực Tân Sơn Nhất hiện tại có đáp ứng không, hay phải nơi khác? Long Thành có phải là lựa chọn phù hợp? Với tầm nhìn xa ấy thì mặt bằng cần chuẩn bị bao nhiêu? Thứ ba là giải bài toán về hiệu quả phát triển, hiệu quả kinh tế, tài chính. Một dự án đồ sộ như vậy thì Nhà nước đầu tư ở hạng mục nào, tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia ở hạng mục nào? Phân tích về hiệu ứng lan tỏa của dự án với khu vực ra sao? Ảnh hưởng của dự án tới nợ công? Những khó khăn hiện tại của đất nước như nợ công đang ở mức cao, trói buộc thế nào tới tầm nhìn tương lai? Thứ tư, ngay cả khi chứng minh chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết thì cũng cần thảo luận thấu đáo các điều kiện để đảm bảo dự án này phát huy hiệu quả? Các kết cấu hạ tầng cần gắn kết với dự án thế nào? Tương lai của sân bay Tân Sơn Nhất ra sao, lộ trình thu hẹp hoạt động để chuyển sang Long Thành thế nào? “Trung ương Đảng vừa rồi đã quyết định chủ trương. Song việc thảo luận, cọ sát giữa các bên ủng hộ, phản đối, kỳ vọng và hoài nghi vào dự án vẫn nên được mở ra, bàn cho thấu đáo. Bởi dù có đồng ý về chủ trương thì vẫn phải bàn giải pháp xem làm thế nào triển khai dự án cho có hiệu quả. Bởi nếu không có giải pháp thì chủ trương cũng không thể triển khai được” - ông Thiên bình luận. |