Đó là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Bộ KH&CN), đưa ra tại tọa đàm năng suất lao động - giải pháp tăng trưởng ngày 14-10.
50 năm mới bắt kịp Thái Lan
"Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia năm lần, Thái Lan 2,5 lần. NSLĐ Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia và xấp xỉ với Lào. Đặc biệt, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn hai lần so với năng suất bình quân của các nước khu vực ASEAN" - ông Tuấn thông tin.
Theo ông Tuấn, trước đây NSLĐ Lào thấp hơn Việt Nam nhiều nhưng 2013, Lào bằng Việt Nam và hiện nay đang vượt Việt Nam. Ông Tuấn cảnh báo nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ như thời gian qua (3,6%/năm đến 3,9%/năm) thì... 50 năm nữa NSLĐ Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan.
Lý do NSLĐ Việt Nam tăng trưởng thấp, theo ông Tuấn là do cơ cấu kinh tế với tỉ lệ lao động ở khu vực lâm nghiệp và thủy sản khá cao (46,3%), tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo gần 82%, thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị nhà nước còn có nhiều điểm nghẽn, rào cản... Đặc biệt doanh nghiệp thiếu đổi mới máy móc trang thiết bị.
Các đại biểu tại tọa đàm đa số đồng tình với việc tăng lương và cải tiến kỹ thuật để nâng cao NSLĐ. Ảnh: VIẾT LONG
Tăng lương để tăng năng suất lao động
Để rút ngắn khoảng cách đó, ông Tuấn cho rằng cần phát huy trí sáng tạo của các cá nhân, không nên xem quyết định của chủ doanh nghiệp là trên hết, như vậy mới tạo động lực cho người lao động phát triển những sáng kiến để cải tiến.
"Một ý tưởng đưa ra mà nhiều người phản đối mới tốt, còn một ý kiến đưa ra không ai phản đối có thể là giả dối. Thậm chí tôi thấy có nhiều doanh nghiệp vùi dập những ý tưởng, thành quả cải tiến của người lao động. Nếu giữ nguyên cách làm này thì không thể phát huy được NSLĐ. Do vậy, doanh nghiệp cần đề cao thành quả của người lao động, phải cho họ hưởng thành quả đó xứng đáng, để họ hăng say lao động và đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp" - ông Tuấn nói.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Sandra polaski, Phó Tổng Giám đốc tổ chức lao động quốc tế (ILO), đưa ra giải pháp tăng NSLĐ bằng việc tăng lương: "Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và NSLĐ cho thấy tăng lương tối thiểu khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng NSLĐ thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn".
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết để tăng NSLĐ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải giải quyết vấn đề nhà nước (cơ chế, thể chế); giải quyết thỏa đáng tiền lương cho người lao động; phải áp dụng khoa học kỹ thuật, phải có máy móc hiện đại để nâng cao năng suất.
Ông Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT LONG
Cũng với quan điểm trên, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), cũng cho rằng cần phải tăng lương cho người lao động.
"Một khi lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh việc tăng lương, các doanh nghiệp phải đổi mới máy móc thiết bị, tái cơ cấu để cạnh tranh với các nước trên thế giới. Chúng ta phải xóa tư duy dựa vào nhân công giá rẻ để nhập những máy móc, thiết bị lạc hậu về sản xuất. Đã đến lúc Việt Nam phải đổi mới để NSLĐ bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới" - ông Thọ nhấn mạnh.
NSLĐ của toàn nền kinh tế Việt Nam 2014 đạt 74,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,9% so với năm 2013. Bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7%/năm. Mặc dù NSLĐ Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình như giai đoạn 2007-2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động Philippines, chưa kể đối với Trung Quốc, Ẩn Độ. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn |