Không dễ ‘xóa tư cách chức vụ’, ‘cắt lương hưu’

Theo dự thảo, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Hiển, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng quy định “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là chưa thật hợp lý. Theo ông Hiển, việc rà soát hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về hành chính nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, thống nhất đồng bộ không có nghĩa là bên Đảng kỷ luật nào thì bên Nhà nước phải có hình thức kỷ luật như vậy.

“Giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau” - ông Hiển nói và cho rằng việc quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có nhiều điểm bất hợp lý. Thứ nhất, rất khó giải thích thế nào là “tư cách chức vụ” và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào có khái niệm này.

Thứ hai, hình thức xử lý kỷ luật này không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Ông Hiển dẫn chứng: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự, dù với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân, họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc thì họ cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Thứ ba, quy định trên tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý về xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm là những văn bản, quyết định người này ký thì có còn hiệu lực pháp lý hay không.

ĐB Nguyễn Hồng Vân (ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu câu hỏi: “Khi xóa tư cách chức vụ, những nghị định, quyết định, bằng cấp mà người đó (người bị kỷ luật) đã ký khi đương chức có còn hiệu lực hay không?” và đề nghị ban hành chương riêng trong luật về nội dung này.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nói: “Tôi có tham khảo kinh nghiệm của Đức đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, theo đó công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức và hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn. Đồng thời, hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật sẽ không còn quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên bộ trưởng, thứ trưởng... Tôi thấy quy định này logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam” - ông Hiển cho hay.

Ông Hiển đề nghị không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ, chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) lại cho rằng khi cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì không còn trong biên chế, đã về địa phương, không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương hưu qua hệ thống bảo hiểm xã hội. Vì vậy, ĐB tỉnh Phú Yên cho rằng chỉ có thể dễ dàng tước bỏ các phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi đi khám bảo vệ sức khỏe, còn lương của người bị kỷ luật không thể cắt được. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới