Không được nghèo!

(PLO)- Việc những người nghèo nhưng không được công nhận là hộ nghèo sẽ khiến họ mất đi những trợ giúp và nhiều cơ hội cải thiện đời sống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

1.

Tấn ngoài 40 tuổi, đi bộ đội về. Một vợ, hai con, nhà không có đất sản xuất. Anh đi bốc vác bữa đực bữa cái rồi làm thuê cho một công ty nuôi tôm cách nhà 10 km. Từ sau dịch COVID-19, công ty không nuôi tôm nữa nên thất nghiệp.

Gần nhà có một ngôi nhà nuôi yến, chủ nhà yến ở xa, nhờ Tấn coi sóc giúp họ. Bù lại, họ cho anh canh tác trên diện tích 2 sào đất quanh nhà yến. Anh khoan giếng lấy nước tưới và trồng trọt mùa củ cải xen mùa đậu phộng, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, Tấn có thu nhập chừng 3-4 triệu đồng mỗi tháng để nuôi gia đình 4 người.

Đùng cái, vợ anh bị ung thư vú. Vay mượn khắp cha mẹ, anh em, bạn bè và được một người hàng xóm quyên góp giúp tiền chữa bệnh. BV tỉnh xác định bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của y tế tuyến tỉnh, chuyển vào BV Ung Bướu TP. HCM và trải qua hàng chục đợt hoá trị, phẫu thuật, xạ trị từ tháng 3-2023 đến nay.

Thấy con cái anh nheo nhóc và đang tuổi đi học, vợ lại ốm đau nên nhiều người giúp, dù họ cũng không giàu có gì. Người cho phụ tùng honda cũ lắp vào cái xe Trung Quốc đời đầu, người cho cái tủ lạnh cũ, người khác lắp cho chiếc máy tính cũ để tụi nhỏ học.

Nhà không lắp internet, Tấn lấy cái điện thoại cùi bắp phát sóng cho tụi nhỏ dùng máy tính vào mạng. Những ngày đi chăm vợ ở Sài Gòn, anh để máy điện thoại của mình ở nhà cho con.

Nếu không có BHYT và sự hỗ trợ ấy, vợ anh chắc không thể có điều kiện chữa bệnh. Một hộ dân gần đó cũng giúp họ đóng tiền bắt đường ống nước sinh hoạt. Thứ duy nhất Tấn mua là một cái máy giặt bởi vợ đau, con nhỏ, còn anh bận mưu sinh.

Nhưng giờ sắp hết hạn BHYT mà vợ chồng Tấn không biết lấy đâu ra tiền mua, hàng tháng anh còn phải đóng học phí cho hai đứa nhỏ. Vợ anh sau quá trình điều trị cũng phải uống thuốc thường xuyên nhiều năm nữa, không có BHYT là phải tự lo hết thay vì được thanh toán 80% tiền chữa bệnh.

Nếu được xét hộ nghèo hoặc cận nghèo, gia đình sẽ được cấp BHYT, con cái khỏi đóng tiền học phí, các khoản đóng góp cũng sẽ được giảm.

Tấn làm đơn gửi thôn, xã xin xem xét. Cuối cùng họ kết luận gia đình anh không đủ tiêu chuẩn để được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều về thu nhập và điều kiện tiếp cận dịch vụ. Không hiểu họ căn cứ vào đâu để xác định gia đình 4 người của anh thu nhập trên 1,5 triệu/ người mỗi tháng theo chuẩn nghèo nông thôn; diện tích nhà ở thì để đủ ở, họ xây nơi bức tường bằng gạch táp lô và lợp tôn nên được coi là đủ diện tích nhà ở. Nhà có xe máy, tủ lạnh, máy tính và được tiếp cận dịch vụ viễn thông nhờ hai cái điện thoại rẻ tiền mà thời này không có cũng không được.

Thế là nhà Tấn... bị thoát nghèo lẫn cận nghèo. Dù, anh vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền đóng học cho con và mua bảo hiểm cho vợ.

2.

Chị Trượng Nữ Hoàng Khải người dân tộc Chăm ở Phước Hậu, Ninh Phước, Ninh Thuận bị tim bẩm sinh, là mẹ đơn thân nuôi con gái. Nhiều năm nay là hộ nghèo. Mỗi ngày bán bánh xèo đầu hẻm nhà chỉ được 30.000 đồng. Ngày nào ế, bán không hết mẹ con ăn bánh xèo thay cơm.

không được nghèo
Giấc mơ thành bác sĩ của cô sinh viên Y khoa làng Chăm (thứ 2 từ trái) đang có nguy cơ dang dở vì gia đình cô không còn là hộ nghèo. Ảnh: PLO

Mấy năm trước, chị bị đau nặng. BV tỉnh chuyển vào BV Chợ Rẫy. Bác sĩ yêu cầu phẫu thuật gấp. Không kiếm đâu ra 80 triệu đồng, chuẩn bị về quê chờ chết. Báo Pháp Luật TP.HCM đã vận động hỗ trợ chị số tiền chữa bệnh.

Dù nghèo nhưng con gái chị là Hải Nữ Hoàng Linh (học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng) luôn là học sinh giỏi. Năm sau đó cháu thi đậu vào ngành Bác sĩ Đa khoa, ĐH Y khoa Tây Nguyên nhưng không có tiền học. Báo Pháp Luật TP.HCM lại vận động hỗ trợ để cháu có thể học ĐH.

Tuần trước, cháu Hoàng Linh cho biết gia đình hiện đã bị cắt tiêu chuẩn hộ cận nghèo. Hiện nay, chị Khải không được hưởng chế độ BHYT dành cho hộ nghèo, trong khi đó hàng tháng vẫn phải khám bệnh và uống thuốc sau ca phẫu thuật tim. Thiếu đi khoản này thì chị không lấy đâu ra tiền chữa bệnh.

Và nếu không còn tiêu chuẩn cận nghèo, có nghĩa là cô SV Y khoa ấy phải đóng học phí 100% cho ba năm cuối ĐH. Giấc mơ trở thành Bác sĩ của cô gái Chăm ấy có thể sẽ phải dừng lại.

3.

Chúng tôi đã từng trao đổi với địa phương về hai trường hợp rất đặc biệt này. Các anh cũng quan tâm, kiểm tra xem xét nhưng rồi không thay đổi được vì... điều kiện quy định nó vậy!

Tuy nhiên đó không phải là những trường hợp cá biệt. Có nhiều sức ép đã khiến nhiều người rất nghèo vẫn không được coi là hộ nghèo, cận nghèo.

Một trong số đó là áp lực phấn đấu để được công nhận xã nông thôn mới. Theo Quyết định số 757/QĐ-LĐTBXH ngày 18/8/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì xã nông thôn mới căn bản có không quá 1,5% số hộ nghèo, cận nghèo; với xã Nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ này không quá 1%.

Còn tiêu chí xác định thế nào là hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định bởi Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều. Mà như đã nói, cả hai hộ vừa nêu đều... không được coi là nghèo.

Ít hộ nghèo, chúng ta sẽ có thêm nhiều xã nông thôn mới, địa phương có thêm động lực phát triển hạ tầng. Nhưng cũng vì để đạt các danh hiệu ấy, thời gian qua đã có những nơi huy động dân đóng góp quá sức mà dư luận đã phản ánh.

Còn với những người "nghèo nhưng không được coi là nghèo" như tôi vừa kể, họ sẽ mất đi những trợ giúp dành cho đối tượng nghèo, cận nghèo. Và khi đó, họ không chỉ tái nghèo mà nhiều giấc mơ cũng phải dừng lại. Như giấc mơ thành Bác sĩ của cô sinh viên Y khoa làng Chăm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm