THỦ LĨNH TƯ CHU VÀ BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - BÀI CUỐI

Không được phép lãng quên

Nhận định về thắng lợi Mậu Thân 1968, GS-TS Larry Berman, nhà sử học người Mỹ, cho rằng: “Sự kiện này là một bước chuyển mang tính quyết định, dẫn đến việc chấm dứt leo thang chiến tranh Việt Nam. Bom vẫn tiếp tục được thả xuống nhưng lính Mỹ thì dần được về nhà”.

Bước ngoặt khiến Mỹ phải rút quân

Đã có nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước được tổ chức trong nhiều năm qua để đánh giá về sự kiện Mậu Thân năm 1968. Dù còn nhiều khác biệt trong quan điểm và cách nhìn nhận chung về sự kiện này nhưng hầu hết các học giả và nhà nghiên cứu đều cho rằng Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, một bước ngoặt thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam.

Nhà báo, sử gia Stanley Karnow, người Mỹ, tác giả của “Việt Nam thiên lịch sử truyền hình” đã từng nói với tác giả bài viết này: “Đây là cuộc chiến mà người Mỹ không thể thắng vì một lý do rất đơn giản là chúng tôi chống lại dân tộc luôn sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài không có hồi kết. Họ trường kỳ kháng chiến cho tới khi nào giành được sự độc lập, tự do. Biến cố tết Mậu Thân thực sự đã thay đổi toàn diện cục diện chiến tranh Việt Nam. Và sự kiện tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết Bảy Lớp (tức Nguyễn Văn Lém, chỉ huy trưởng Đội 3 biệt động đánh mục tiêu Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn - NV) ngay trên đường phố Sài Gòn đã trở thành một trong những hình ảnh được nhớ tới nhiều nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Cả thế giới bàng hoàng, không biết chuyện gì đã xảy ra. Công chúng Mỹ bắt đầu nghĩ rằng đó là cuộc chiến tranh vô nghĩa và nếu chúng ta không thể thắng thì hãy rút khỏi đó”.

Không được phép lãng quên ảnh 1

Ảnh trên: Các cựu chiến sĩ biệt động thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại bia tưởng niệm trước Đại sự quán Mỹ (cũ). Ảnh: qdnd.vn

Đồng quan điểm với người đồng hương, GS-TS Larry Berman cho rằng đây là một cuộc chiến tranh định mệnh với người Mỹ. “Tháng 1-1968, ở toàn miền Nam này có đến 550.000 quân Mỹ, khoảng 1 triệu quân Việt Nam Cộng hòa. Với số lượng quân đông đảo như thế mà Sài Gòn vẫn bị tấn công. Tòa Đại sứ Mỹ vẫn bị nằm dưới tầm hỏa lực của Việt cộng. Tất cả việc đó đã được truyền hình truyền tải đến từng gia đình người Mỹ, cho người dân Mỹ thấy rằng toàn bộ cuộc chiến tranh này dựa trên những lời dối trá”.

“Độc lập, tự do không phải là hàng hóa!”

Quyết định đánh Mậu Thân cho thấy đó là đỉnh cao trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Điều này đã được lịch sử chứng minh khi sự kiện tết Mậu Thân bắt đầu đặt dấu chấm hết cho sự dính líu trực tiếp của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Thế nhưng sự hy sinh quá lớn trong mùa xuân năm ấy lại chính là điều khiến nhiều người trong cuộc cảm thấy đau xót và day dứt.

Chia sẻ quan điểm của mình, Đại tá Vũ Ba - nguyên cán bộ Tham mưu miền cho rằng: “Chúng ta vẫn có thể giành được thắng lợi như Mậu Thân với con số tổn thất ít hơn, nếu chúng ta chấp hành đúng như tinh thần chỉ đạo của bức điện ngày 18-1-1968 của Tổng Bí thư Lê Duẩn (trong tập Thư về Nam)”.

Trước câu hỏi “các ông trả giá đắt quá?” của một vị tướng Mỹ về sự kiện Mậu Thân, Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, đã trả lời: “Độc lập tự do không phải là hàng hóa, chúng tôi phải quý trọng từng mạng người. Nhưng nếu phải hy sinh mới giành được thắng lợi thì chúng tôi nguyện hy sinh. Mà nếu không có hy sinh thì không có thắng lợi, hy sinh bây giờ để con cháu chúng tôi có đất nước thống nhất và độc lập, có vị thế như ngày hôm nay”.

Và nếu so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên trong Mậu Thân năm ấy, theo ông Ước, “chúng ta không đủ sức để đánh bại hơn 50 vạn quân Mỹ vừa đông vừa mạnh. Chúng ta phải tạo ra một cách đánh khiến Mỹ thấy khó, không nhai được, hóc quá nên phải rút quân”.

Cách đánh đó chính là Mậu Thân.

Với Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu, thủ trưởng của lực lượng biệt động năm ấy, thì Mậu Thân chính là một thắng lợi rất lớn, nó mở đầu cho hàng loạt sự kiện tiếp sau để dẫn đến thắng lợi ngày 30-4-1975. Thế nhưng chính những thiếu sót trong công tác hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng khác nhau đã khiến cho lực lượng biệt động phải đơn thương độc mã chiến đấu và hy sinh giữa vòng vây của kẻ thù. Điều này khiến ông Tư Chu luôn trăn trở và day dứt.

Không được phép lãng quên ảnh 2

Ông Trần Trọng Tân và tác giả bài viết. (Ảnh chụp chiều tối 23-5) Ảnh: NHỊ ANH

Phải tôn vinh xứng đáng

Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng tất cả chiến sĩ biệt động tham gia đánh năm mục tiêu trọng yếu trong Mậu Thân 1968 đều xứng đáng được tuyên dương anh hùng. Đặc biệt là thủ lĩnh Tư Chu, linh hồn của lực lượng biệt động, người đã trực tiếp đứng ra lựa chọn và đào tạo từng người một trở thành những chiến sĩ quả cảm, kiên trung, người đã kiến thiết và tổ chức những trận đánh vang dội của biệt động Sài Gòn. Và như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói, việc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Tư Chu vào lúc ông đã gần đất xa trời là một việc làm muộn màng và thiếu sót. Nhưng dẫu muộn còn hơn không, bao tâm huyết, đóng góp của ông cuối cùng cũng được tôn vinh.

Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, ông Tư Chu - cựu thủ lĩnh biệt động Sài Gòn luôn mang trong lòng tâm tư, nỗi niềm về chế độ, chính sách đối với lực lượng biệt động. Ông cảm thấy mình có lỗi và mắc nợ với anh em.

Trong số những chiến sĩ biệt động thành ngày ấy, nhiều người đã được Tổ quốc vinh danh. Nhưng vẫn còn đó những con người đã ngã xuống mang những bí số, bí danh mà chưa được trả về danh tánh thật, chưa được Tổ quốc ghi công. Vì rằng để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho nhiệm vụ trọng đại mùa xuân năm ấy, ngay đến chính bản thân ông Tư Chu là cấp chỉ huy mà cũng không thể biết rõ được danh tánh thật của từng người. Trong những nỗ lực cuối đời của mình khi bị căn bệnh ung thư vòm họng hành hạ, ông đã viết cuốn sách “Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng”, kịp điểm lại danh tánh của những con người quả cảm, dù chỉ là với những bí danh hay bí số. Ông hy vọng đây sẽ là một trong những căn cứ sử liệu sau này để tìm kiếm thân nhân các liệt sĩ và giải quyết chính sách cho gia đình họ.

Lực lượng biệt động Sài Gòn đã cống hiến những con người anh hùng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và giành lại độc lập cho Tổ quốc, đặc biệt trong sự kiện Mậu Thân 1968. Nhưng chưa có một nơi trong TP này để ghi công xứng đáng dành cho họ. Trong năm địa chỉ đỏ của lực lượng biệt động vào Mậu Thân 1968 (đài phát thanh, dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn - nay ở bến Bạch Đằng, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn - nay là Quân khu 7, chỉ hai nơi là có bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động đã hy sinh (đài phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ). Đề cập đến chuyện này, bà Vũ Minh Nghĩa, chiến đấu viên Đội 5 biệt động, bật khóc: “Biết hương hồn các anh có về nơi đây?”...

Lịch sử, đất nước và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn họ - các anh hùng, liệt sĩ biệt động Sài Gòn. Nhưng sự tri ân này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi tại TP.HCM có một nơi tưởng niệm xứng đáng dành cho họ, để sưởi ấm hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh trong mùa xuân năm ấy - xuân Mậu Thân 1968.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm