Không giám định ADN, tòa bó tay

Năm 2002, ông Nguyễn Phúc Vỹ (ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) quen vợ chồng ông ĐVL (ngụ quận 4). Ông Vỹ kể do vợ ông L. làm chung với ông, hay tâm sự chuyện buồn gia đình nên hai người trở nên thân thiết. “Đầu năm 2010, cháu ĐNQ ra đời, tôi cũng không biết đó là con mình. Chỉ sau khi sức khỏe yếu vì bị ung thư, cô ấy mới gọi tôi đến nói là hãy nhận cháu Q. về nuôi vì đó là con tôi”.

Không hợp tác lấy mẫu giám định

Tháng 10-2013, ông Vỹ đã khởi kiện yêu cầu TAND quận 4 xác định cháu Q. là con ruột của ông. Sau đó, tòa xác định ông L. - người đứng tên cha trong giấy khai sinh và cũng đang nuôi dưỡng cháu bé - là bị đơn (thời điểm này, vợ ông L. đã mất).

Sau khi thụ lý, TAND quận 4 đã yêu cầu ông Vỹ cung cấp các chứng cứ, trong đó có các mẫu vật giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống giữa ông và cháu Q. Sau khi liên hệ với ông L. không có kết quả, ông Vỹ đã làm đơn đề nghị tòa buộc ông L. phải hợp tác để lấy mẫu xét nghiệm phục vụ cho việc xét xử.

Ông Vỹ kể: “Tôi đã tìm mọi cách, kể cả đến trường học của cháu bé xin hiệu trưởng lấy mẫu nhưng phía ông L. không đồng ý. Không còn cách nào nêu tôi mới nhờ tòa. Yêu cầu của tôi xuất phát từ quy định tại khoản 12 Điều 102 BLTTDS là tòa cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”.

Dù rất sốt ruột nhưng ông Vỹ vẫn phải trông chờ vào kết quả lấy mẫu giám định từ cơ quan thi hành án dân sự quận 4. Ảnh: T.TÙNG

Phía ông L. thì trước sau không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Vỹ và cũng cương quyết không đồng ý cung cấp mẫu vật để cơ quan chức năng tiến hành giám định ADN. Theo ông L., ông Vỹ khởi kiện thì phải tự đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, hà cớ gì phải yêu cầu tòa làm thay rồi bắt ông hợp tác.

Từ đề nghị của ông Vỹ, ngày 9-1-2014, TAND quận 4 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông L. phải thực hiện hành vi cung cấp mẫu vật của cháu Q. để giám định ADN giữa ông Vỹ và cháu Q. Cùng ngày, tòa cũng ban hành quyết định trưng cầu giám định tại Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xác định xem ông Vỹ và cháu Q. có phải là cha con hay không. Một tuần sau ông L. khiếu nại hai quyết định trên nhưng bị chánh án TAND quận 4 bác vì cho rằng tòa đã làm đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Sau đó, TAND quận 4 đã gửi quyết định cho Chi cục Thi hành án dân sự quận để thi hành. Chi cục đã ra thông báo, do ông L. không hợp tác nên chi cục ra quyết định cưỡng chế buộc ông L. phải thực hiện yêu cầu của tòa.

Tuy nhiên, sau đó việc lấy mẫu giám định vẫn chưa được Chi cục Thi hành án quận tiến hành. Giữa tháng 3-2014, TAND quận 4 đã phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định. Đồng thời tòa cũng có công văn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 cho biết kết quả việc thi hành quyết định của tòa nhưng đến nay cũng chưa nhận được phản hồi. Theo thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, nếu cơ quan thi hành án chậm gửi kết quả thì tòa chưa thể làm gì được.

THA đã làm hết trách nhiệm?

Để làm rõ chuyện vì sao Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 không cưỡng chế buộc ông L. phải thực hiện yêu cầu của tòa khiến vụ án gặp bế tắc, từ ngày 11-7, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với chi cục, cả trực tiếp, qua điện thoại lẫn gửi văn bản. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa được Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 hợp tác cung cấp các thông tin liên quan.

Theo chúng tôi, Điều 118 Luật Thi hành án dân sự (về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định) đã quy định rất rõ: Nếu người phải thực hiện công việc nhất định theo quyết định không thực hiện thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn năm ngày để người đó thực hiện nghĩa vụ. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải thực hiện công việc nhất định theo quyết định không thực hiện thì chấp hành viên xử lý như sau: Nếu công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì giao cho người có điều kiện thực hiện (chi phí do người phải thi hành án chịu). Nếu công việc đó phải do chính người đó thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Điều 130 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế quy định tại các điều 118, 119, 120, 121 để bảo đảm thi hành quyết định về cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định…

Như vậy, quy định để xử lý đều đã có, vấn đề còn lại là cơ quan thi hành án đã thật sự làm hết trách nhiệm hay chưa?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

THANH TÙNG

Khó nhưng xử lý được

Việc lấy mẫu ADN thuộc về chuyện nhân thân, liên quan đến quan hệ tình cảm, do đó ban đầu cơ quan thi hành án nên tích cực thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện hợp tác, trực tiếp đưa bé đến cơ sở y tế có thẩm quyền lấy mẫu theo quy định. Nếu không được thì ra quyết định cưỡng chế. Khi đã có quyết định cưỡng chế mà đương sự không chịu hợp tác thì cơ quan thi hành án được phép ra quyết định xử phạt hành chính. Sau khi xử phạt mà đương sự vẫn không thực hiện thì cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan công an xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi không chấp hành quyết định của tòa.

Ông VŨ ĐỨC HẢI, Phó Cục trưởng Cục
Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm