Ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: H.Điệp
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết theo phản ánh của người dân thì có nhiều vụ việc chấp hành viên dường như vô cảm, đây là một trong những tồn tại của công tác thi hành hành án khiến người dân bức xúc.
Ông Nghĩa lấy ví dụ về việc một vụ án có hiệu lực cách đây 6 năm và đến nay vẫn chưa thi hành án được.
Theo ông Nghĩa thì những khó khăn thuận lợi đã được Cục thi hành án Dân sự TP.HCM nêu ra nhưng còn một vấn đề rất quan trọng nữa đó là tham nhũng trong thi hành án dân sự thì lại không được đề cập trong buổi làm việc.
Ông Nghĩa cho rằng thực tế có tham nhũng trong các cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án cũng không phải là ngoại lệ.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị đưa ra những điều khoản quy định rõ ràng hơn về vai trò, trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm những chấp hành viên có hành vi tham nhũng, tham ô và vô cảm trong khi làm việc với người dân.
Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng cục thi hành án dân sự TP.HCM tại buổi làm việc - Ảnh: H.Điệp |
Trước đó, ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục thi hành án TP.HCM đã báo cáo về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, TP.HCM đứng đầu trong cả nước về số lượng thi hành án cũng như số tiền phải thi hành án. Ông Lực cũng nêu ra nhiều bất cập về thi hành án gây khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ thi hành án thành công không cao.
Theo ông Lực, có những bản án phúc thẩm đã có hiệu lực và cơ quan thi hành án đã thi hành án xong nhưng cuối cùng bản án lại được hủy sửa mà tòa lại không đưa thông tin về việc bản án đã được thi hành vào để xem xét và tuyên án.
Bởi vậy, bản án xử lại như bản án mới và không có phần xử lý kết quả khiến cho cơ quan thi hành dân sự không thể thi hành án được. Còn người dân thì phải khởi kiện bằng một bản án khác để chờ xem nghĩa vụ phải thi hành.
Ngoài việc nêu ra những bất cập trên, ông Lực cũng đề xuất sửa đổi một số điều trong Luật thi hành án Dân sự để Luật này thực sự có hiệu quả đối với công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Theo H.Điệp (TTO)