Không giảm lãi suất kiểu 'treo đầu dê bán thịt chó’

(PLO)- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ngân hàng nào đã cam kết giảm lãi suất thì cần phải làm thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị để trao đổi, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển.

Lãi suất huy động tại các kỳ hạn không được vượt quá 9,5%/năm

Tại đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, Hiệp hội đã họp với các hội viên để kêu gọi và 100% đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tiết giảm chi phí.

“Tính đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng đăng ký giảm lãi suất cho vay, với mức lãi suất giảm từ 0,5- 3%/năm, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm đến 3,5%/năm. Đây là sự cố gắng, quyết tâm của các ngân hàng trong việc tiết giảm chi phí và chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp”- ông Hùng nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay mặc dù điều kiện trong nước và thế giới có nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng.

Theo ông Tú, trong bối cảnh đó, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống nói chung, đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, các ngân hàng đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

VPBank giảm lãi suất cho vay tới 1,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME.

VPBank giảm lãi suất cho vay tới 1,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME.

Cần ưu tiên dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc một số ngân hàng tuyên bố ổn định hay giảm lãi suất là tín hiệu tích cực. Nhưng quan trọng là cần giảm lãi suất thực chứ không phải trên lời nói, hoặc giảm lãi suất kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", giảm lãi suất nhưng tăng các loại phí, rồi kèm gói bảo hiểm...; chỉ giảm lãi suất cho một số đối tượng rất hạn hẹp trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất, giảm lãi suất thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí. Trong đó, tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, vào các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế….

Mới đây nhất, VPBank thông báo giảm lãi suất cho vay tới 1,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME.

Cụ thể, nhà băng này đang áp dụng cơ chế giảm lãi suất cho vay, cho cả kỳ hạn vay ngắn và trung dài hạn, lên tới 1,5% cho các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Với mức lãi suất ưu đãi này, VPBank kỳ vọng sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh, theo đó giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài chính sách này, VPBank còn có ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng cá nhân sẽ được hưởng mức giảm trừ lãi suất 1,0%/năm trên mức lãi suất áp dụng tại quyết định ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo của ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm