Gần hai năm nay, người dân tại TP.HCM khổ sở do việc cấp giấy chứng nhận (GCN) về nhà, đất bị ùn tắc vì hồ sơ tại 24 quận, huyện phải gom về một đầu mối là Sở TN&MT. Nghị định 01/2017 (sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 3-3) được ban hành với kỳ vọng sẽ giải cứu tình hình.
Thế nhưng nguy cơ lớn là vướng mắc vẫn tiếp tục, ùn tắc chỉ chuyển từ đầu mối này sang đầu mối khác.
Đi lại nhiều nơi, hỏi không ai biết khi nào xong
“Vừa qua, tôi đã nhận được GCN quyền sử dụng đất nhưng vô cùng ngao ngán khi nghĩ lại hành trình đi làm thủ tục tại các cơ quan” - chị Phạm Thị Hồng Trâm, ngụ quận 6, TP.HCM, bày tỏ.
Chị Trâm cho hay chị nộp hồ sơ xin tách thửa và cấp giấy cho thửa đất tại đường Văn Thân, quận 6, tính đến nay là gần ba năm, phải thực hiện việc bổ sung không biết bao nhiêu yêu cầu của các cơ quan chức năng. Chậm trễ là một lẽ, một điều khiến chị Trâm mệt mỏi hơn nữa là không biết được hồ sơ khi nào xong, đang nằm ở nơi nào, lý do hồ sơ không được duyệt.
“Hỏi quận thì quận cho biết hồ sơ đang nằm ở TP. Từ đó tôi phải chạy đi chạy lại, lúc thì qua Sở TN&MT, lúc thì qua văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) mà không biết gặp ai, hỏi ai. Các cơ quan này cũng phải mất nhiều thời gian mỗi khi truy lục hồ sơ xem nằm ở đâu” - chị Trâm nhớ lại.
Theo chị Trâm, mỗi lần đi là chị mất cả buổi trời, gặp được cán bộ thụ lý để nhận được câu trả lời lại càng là câu chuyện cam go. Thủ tục cấp giấy giải quyết quá lâu và phức tạp, không quy định thời gian rõ ràng cho từng khâu nên cuối cùng người dân lãnh hậu quả.
“Do quá bức xúc vì hồ sơ chậm trễ, quá lâu và quy trình giải quyết không rõ ràng nên tôi gửi thư phản ánh đến các cơ quan chức năng. Có lẽ nhờ thế mà hồ sơ của tôi mới được chú ý giải quyết, nếu không chắc còn chờ tiếp” - chị Trâm nhận xét.
Người dân đi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận nhà, đất. Ảnh: VH
Phiền hà cho dân là hệ quả đương nhiên
Trường hợp như chị Trâm không phải là cá biệt mà trở thành tình trạng phổ biến tại TP. Theo quy định tại Luật Đất đai, hồ sơ cấp giấy của toàn 24 quận, huyện phải tập trung về một đầu mối là Sở TN&MT để nơi này ký (trừ trường hợp cấp giấy lần đầu mới thuộc thẩm quyền của quận, huyện). Quy trình này đã dẫn đến ùn tắc, khó khăn trong việc cấp giấy cho người dân.
Theo thống kê của sở này, trong năm 2016 ước tính nhận khoảng 50.000 hồ sơ. Trong khi đó ban giám đốc Sở chỉ có vài nhân sự, lại còn phải thực hiện rất nhiều công việc khác nên dù cố gắng hết sức đi nữa, việc ách tắc là không thể tránh khỏi. Lãnh đạo Sở TN&MT nhiều lần nhìn nhận sự việc trên.
“So với quy trình cũ (hồ sơ do UBND 24 quận, huyện giải quyết) thì việc gom về chỉ một đầu mối duy nhất thì ùn tắc, quá tải, chậm trễ phiền hà cho dân là hệ quả đương nhiên” - chủ tịch UBND một quận nhận xét.
Không phân cấp, ách tắc còn dài dài
Để giải quyết những ách tắc trên, TP từng có văn bản kiến nghị các bộ, ngành về việc TP ủy quyền cho UBND 24 quận, huyện giải quyết cấp giấy. Tháng 1-2017, Nghị định 01 được ban hành đề cập đến việc phân cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, nghị định không quy định theo hướng TP đề xuất mà chỉ thay đổi theo hướng giám đốc Sở được ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp giấy.
Triển khai nội dung trên, tháng 3-2017, Sở TN&MT đề xuất cách làm nhằm giảm tình trạng ùn tắc. Tại văn bản gửi các quận, huyện, sở, ngành do Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng ký, Sở đề xuất cơ chế giao giám đốc các chi nhánh VPĐKĐĐ tại 24 quận, huyện ký cấp GCN dưới hình thức thừa ủy quyền của Sở, đóng dấu của Sở lên GCN.
“Việc giao cho giám đốc các chi nhánh ký giúp rút ngắn thời gian, tháo gỡ được ách tắc gây chậm trễ, phiền hà cho người dân” - ông Thắng nhận xét.
Trước kiến nghị của Sở TN&MT, UBND TP giao cho Sở Tư pháp chủ trì, họp với các sở, ngành để báo cáo TP. Tại cuộc họp, các đơn vị đều thống nhất cho rằng kiến nghị của Sở về việc giao lại cho giám đốc các chi nhánh VPĐKĐĐ ký GCN chưa có cơ sở pháp lý.
Bởi Nghị định 01 chỉ cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho VPĐKĐĐ TP.HCM, không đề cập đến việc được ủy quyền cho các chi nhánh VPĐKĐĐ. “Việc ủy quyền cần thực hiện đúng Nghị định 01” - các sở báo cáo TP.
Thực tế, trước khi có Nghị định 01, Sở TN&MT cũng đã ủy quyền cho giám đốc VPĐKĐĐ cấp GCN nhưng tình trạng quá tải vẫn không thể khắc phục bởi ban giám đốc đơn vị này cũng chỉ có ba người. Như vậy, sự ra đời của Nghị định 01 không giúp giải quyết mà chỉ có ý nghĩa chuyển ùn tắc trong cấp giấy từ ban giám đốc Sở TN&MT sang ban giám đốc VPĐKĐĐ TP. Còn người dân thì tiếp tục khổ sở vì hồ sơ trễ hẹn.
Phải xin lỗi dân vì trễ hẹn hàng ngàn hồ sơ Theo báo cáo của VPĐKĐĐ TP.HCM, tính đến tháng 9-2016 cơ quan này tiếp nhận hơn 308.000 hồ sơ, trong đó trễ hẹn hơn 28.000 trường hợp gồm hồ sơ cấp giấy lần đầu, đăng ký biến động, cấp giấy cho nhà, đất dự án. Các loại hồ sơ này vừa thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện lẫn VPĐKĐĐ TP. Tại quận Bình Tân, trong năm 2016 phải gửi hơn 7.830 thư xin lỗi do trễ hẹn, trong đó 103 trường hợp do các cơ quan thuộc quận quản lý, hơn 7.700 thư xin lỗi thuộc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân (thuộc Sở TN&MT). Tháng 11-2016, huyện Bình Chánh báo cáo có gần 5.000 hồ sơ cấp giấy trễ hẹn. Quy trình hiện nay quá vô lý Quy trình cấp giấy hiện nay quá sức vô lý, gây khó khăn cho người dân do tình trạng thắt nút cổ chai tại khâu Sở TN&MT. Nhiều hồ sơ người dân nộp tại chi nhánh trễ hẹn rất lâu nhưng chúng tôi không dám hứa khi nào xong bởi hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian giải quyết tại Sở. Người dân bức xúc là đúng vì họ phải đi nhiều nơi, chẳng biết tìm ai hỏi, chẳng biết hồ sơ khi nào xong, lý do tại sao. Ách tắc này chỉ được tháo gỡ khi việc cấp giấy giao lại cho quận, huyện như cũ hoặc ủy quyền cho các chi nhánh như đề xuất của Sở TN&MT. Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai _______________________________ Phải cấp xong giấy tờ nhà, đất trong năm 2017 UBND TP.HCM vừa giao UBND quận, huyện trong năm 2017 hoàn thành việc thực hiện đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 sẽ được xem xét cấp GCN theo Nghị định 01/2017. |