Chiều 5-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã duyệt kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 tại Thanh tra TP.HCM.
Sẽ lập 20 đoàn thanh tra
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Kiến Quốc cho biết trong năm 2019 theo kế hoạch sẽ có 20 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện và sở, ngành về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác quản lý, sử dụng đất công, công tác quản lý vốn ngân sách nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Đến nay, Thanh tra TP đã triển khai được 10 đoàn thanh tra (trong đó có ba đoàn thanh tra đột xuất). Qua đó đã tiếp nhận 842 đơn khiếu nại, tố cáo và đã xử lý đạt hơn 93%.
Theo kế hoạch của Thanh tra TP.HCM, trong năm 2019 ngành thanh tra sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, Thanh tra Chính phủ và các sở, ngành, quận, huyện có liên quan thúc đẩy tiến độ giải quyết dứt điểm 6/12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của TP, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: t.lâm
Tập trung thực hiện sau khi công bố kết luận
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá năm 2018 ngành Thanh tra TP rất vất vả, cật lực khi có tới 41 đoàn thanh tra, trong đó đáng chú ý như tiến hành thanh tra đột xuất vụ việc chuyển nhượng 32 ha đất ở Phước Kiển, thanh tra các sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận IPC...
Theo ông Phong, qua thanh tra đã đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý như vụ thanh tra Công ty IPC đã phát sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ để chấn chỉnh công tác quản lý tại doanh nghiệp nhà nước này. “Thanh tra Công ty IPC đợt 2 chậm quá. Có những vụ việc phải chờ kết luận của cơ quan điều tra như xem xét hình thức kỷ luật đối với tổng giám đốc, nếu cơ quan điều tra xác nhận có những vấn đề như kiến nghị của Thanh tra TP thì chúng ta sẽ xử lý bằng hình thức khác” - ông Phong nói.
Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong đã giao chủ tịch Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty IPC xem xét, xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền đối với các cá nhân có liên quan đến những sai phạm và phối hợp với Đảng ủy Công ty IPC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng.
Tổng giám đốc Công ty IPC là ông Tề Trí Dũng, trước đó đã bị tạm đình chỉ công tác.
Còn đối với vụ việc ở Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị tiến hành nhanh, tập trung xử lý để có kết luận thanh tra.
Ông Phong yêu cầu trong năm 2019 Thanh tra TP cần tập trung thực hiện các kết luận sau thanh tra đã được công bố. “Khi chúng ta tiến hành thanh tra mệt mỏi, cật lực như thế để có kết luận thanh tra nhưng việc thực hiện kết luận sau thanh tra rất chậm, điển hình như vụ Công ty IPC, có những cái bây giờ mới đề xuất giải trình” - ông Phong nói và cho rằng nếu có chậm trễ thì phải có ý kiến với UBND TP để xem vướng mắc ở đâu, từ đó giải quyết tốt hơn.
Ông Phong cũng cho rằng khi xem xét, xử lý, tổ chức kiểm điểm, những vi phạm đã có kết luận rồi thì không xem xét giải trình gì nữa vì trước đó đã có thời gian giải trình. Hình thức xử lý phải thích đáng, chứ nếu “giơ cao đánh khẽ” thì không nghiêm. “Thanh tra để chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để chấn chỉnh, sửa chữa tốt hơn nhưng có những hành vi vi phạm nghiêm trọng thì phải có mức xử lý nghiêm” - ông Phong nói.
Giải quyết dứt điểm 12 vụ khiếu nại kéo dài
Trong số 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài này có dự án khu công nghệ cao ở quận 9 và khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Liên quan đến 12 vụ việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị rà soát lại xem đã tập trung xử lý như thế nào, còn lại bao nhiêu vụ việc để tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2019.
Riêng đối với vấn đề khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay ông đã có ba lần tiếp các hộ dân Thủ Thiêm, cụ thể là tiếp các hộ dân ở khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) - khu vực vừa được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Phong khẳng định một khi đã có kết luận thanh tra thì phải thực hiện, phải chấp hành.
“Sắp tới đây sẽ có kết luận thanh tra Thủ Thiêm, vụ việc thanh tra này đã kéo dài hai năm. Vừa rồi tôi có đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ cũng tập trung quyết liệt lắm, chứ không trì trệ, có nhiều vấn đề phức tạp nên phải xử lý đầy đủ” - ông Phong nói.
Sẽ công khai kết luận thanh tra tại Trung tâm báo chí TP Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sắp tới, khi ra mắt Trung tâm báo chí TP, Thanh tra TP sẽ chính thức công bố kết luận thanh tra những vụ việc lớn cho báo chí tại trung tâm này. Theo ông Phong, phần lớn các kết luận thanh tra không thuộc diện bí mật. Tuy nhiên, với những vụ việc nhạy cảm thì Thanh tra TP.HCM cần phối hợp để công bố thông tin cho hợp lý. Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết trong thời qua do cách cung cấp thông tin “báo trước, báo sau” hay “báo to, báo nhỏ” dẫn đến tạo ra những hiệu ứng xã hội chưa tốt. Do đó, khi Trung tâm báo chí TP ra đời, Sở TT&TT đề nghị Thanh tra TP.HCM cần cung cấp thông tin tại nơi này để tránh sự xung đột thông tin. |