Muốn tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh phải bắt đầu từ việc tạo ra môi trường để doanh nghiệp, người dân làm ăn sòng phẳng.
Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương ngày 6-1.
“Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã!”
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tuy mới nhậm chức chín tháng nhưng ông đã có ba lần đến làm việc và phát biểu với Bộ Công Thương. Trong năm qua ngành công thương đã trải qua nhiều biến cố về nhân sự; công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và các dự án thua lỗ của một số đơn vị. Tuy nhiên, ngành đã tự vươn lên với sự nỗ lực của cả ngành, các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương trọng điểm.
“Có thể nói Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã! Chưa năm nào mà chúng ta gặp khó khăn như năm nay, từ nhân tai, thiên tai đến tiền tệ, sản xuất, kinh doanh. Dù một số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng vai trò đóng góp của ngành công thương trong phát triển chung rất lớn” - Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý với phương án giảm số vụ, cục, phòng ban theo đề án mà Bộ Công Thương đã đề xuất. Việc tái cơ cấu bộ máy hành chính, bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cũng chính là thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy định quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. “Chúng ta có quá nhiều rào cản cần dỡ bỏ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thay đổi theo hướng kiến tạo
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hạn chế tình trạng tham nhũng, cửa quyền, kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ kéo dài. Tập trung giải quyết tồn đọng để sớm thoát ra khỏi mấy dự án thua lỗ thuộc ngành công thương. Nhất là kiên quyết nêu trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thua lỗ.
“Ngân sách không có khả năng và ném tiền vào những dự án thua lỗ này. Cái nào phá sản, phục hồi, hoán đổi cần có cơ chế rõ ràng, giải pháp cụ thể” - Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương muốn tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh phải bắt đầu tạo ra môi trường để doanh nghiệp, người dân làm ăn sòng phẳng và không bị chèn ép.
“Muốn có được điều này trước hết phải chú trọng thể chế, con người theo hướng kiến tạo, thị trường. Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ cho sản xuất, thương mại, tiêu dùng hàng hóa trên tinh thần sản xuất và tiêu thụ theo sát thị trường” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu lên một số hạn chế của ngành công thương như một số dự án triển khai chậm, nhất là dự án điện; một số chiến lược chưa phát huy hiệu quả, khuyến khích tư nhân tham gia như thép, ô tô, cơ khí…
“Thị trường nội địa có 100 triệu dân cần được sử dụng hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài. Cần có chính sách phát triển mặt hàng quan trọng như ô tô, cơ khí. Cơ khí là thế mạnh của Việt Nam nhưng ta chưa tạo ra được điều này. Cơ chế nào để cơ khí phát triển, chúng ta phải thảo luận kỹ. Đừng để nông dân phải khổ vì chuyện đi nhập một số cái Việt Nam có thể làm được” - Thủ tướng lưu ý.
Xử lý các dự án ngàn tỉ “đắp chiếu” Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về xử lý các tồn tại yếu kém, không hiệu quả của một số dự án và doanh nghiệp ngành công thương. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách nhà nước xử lý, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án; các tập đoàn, tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện ngành công thương có 12 dự án, nhà máy thua lỗ, bao gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai. Theo đánh giá của Chính phủ, hầu hết các dự án trên đều có vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Song do tính toán, dự báo sai hoặc quản lý yếu kém đã khiến các dự án bị “đắp chiếu” hoặc hoạt động kém hiệu quả. Xin ưu đãi cho than, dầu khí Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa; xem xét, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi, đặc thù đối với việc đầu tư nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư; đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các mức thuế, phí hiện áp dụng đối với ngành than để đề xuất điều chỉnh phù hợp… |