Không nên giao CSGT dạy lại người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe

(PLO)- Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dự kiến quy định người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật liên quan do CSGT tổ chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một nội dung mới đáng chú ý trong dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là quy định về điểm của Giấy phép lái xe.

Theo đó, người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ (không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe) và khi có kết quả đạt yêu cầu, sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Dự luật giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện.

“Việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay, mang tính nhân văn hơn”- ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bình luận.

mai-van-hai.jpg
ĐB Mai Văn Hải thảo luận về quy định trừ điểm trong dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho rằng đây là quy định nhân văn nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, ĐB Hải nói cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định này có hai vấn đề cần quan tâm, đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính và ông Tám cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

Nếu như vậy thì cần bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại Dự thảo Luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm. “Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không?”, ĐB Tám nói và đề nghị cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại.

ĐB Nhi băn khoăn khi khoản 3 Điều 58 của dự luật quy định khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc này, theo đại biểu, nên giao cho Bộ GTVT, bởi theo Điều 60, 61 của dự thảo luật, Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp Giấy phép lái xe.

“Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên giao Bộ GTVT quy định”- bà Nhi nêu quan điểm.

Nhiều ĐB phát biểu trong thảo luận hôm nay cũng đồng tình với ĐB Nhi về điểm này.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.

“Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe”- ông Tới nói.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, lao động, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được tốt quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm