'Không ông taxi nào đồng ý để Bộ Công an cấp giấy phép lái xe'

“Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông taxi thì không thấy ông taxi nào đồng ý chuyện chuyển cấp giấy phép lái xe (GPLX) qua cho Bộ Công an”- ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói khi thảo luận về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sáng 16-11.

Không nên làm ngược xu hướng

Dẫn lại chức năng và mục đích làm luật của Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói cần phải trả lời được câu hỏi “Làm luật cho ai và vì ai”. Nhận thức của ông là làm luật cho dân và vì dân. ĐBQH làm luật cũng chính là dân làm, vì thông qua các ĐB của mình.

Theo ĐB Nghĩa, có nhóm đối tượng điều chỉnh của luật này là người dân và doanh nghiệp. Ý kiến người dân mà ĐB Nghĩa tham khảo cho thấy “không nên tách vấn đề an toàn giao thông thành một luật riêng, vì an toàn giao thông bao gồm cả phương tiện, công cụ, các quy tắc điều chỉnh hành vi giao thông.

Trao đổi với người dân, ĐB Nghĩa cho hay, người dân nói dùng một bộ luật sẽ tiện lợi hơn rất nhiều, kể cả chuyện tốn kém mua một cuốn bỏ ở nhà là có đủ. “Khi chúng ta thấy nhiều luật, nhiều quy định tản mát quá thì người ta pháp điển hóa, tích hợp lại thành một bộ luật, chúng ta không nên làm ngược lại xu hướng này”- ĐB Nghĩa nói.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, ngay cả các tài xế taxi mà ông gặp cũng không đồng ý chuyển cho Bộ Công an cấp giấy phép lái xe. Ảnh: QH

Về mặt bảo vệ và thi hành pháp luật, từ CSGT đến Viện kiểm sát, Tòa án, luật sư thì một Bộ luật GTĐB đủ các yếu tố hợp thành của nó sẽ thuận lợi cho việc chấp hành của người dân và việc xử lý của các cơ quan nhà nước hữu quan.

ĐB Nghĩa cho hay, ông nhận được kiến nghị chính thức từ Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ TP.HCM, hai hiệp hội này cũng đề nghị không nên tách luật, tất nhiên Luật GTĐB nên bổ sung, sửa đổi.

“Đặc biệt không nên chuyển việc cấp GPLX sang Bộ Công an, vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết”- ĐB Nghĩa cho hay.

Vị ĐB này cũng nói việc tăng cường lực lượng, tăng cường phương tiện, công cụ và hiệu quả của Bộ Công an với tư cách là lực lượng vũ trang đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm cho đất nước là hết sức cần thiết.

“Theo tôi không nên giao thêm cho lực lượng vũ trang những công việc mà các bộ khác của Chính phủ không phải là lực lượng vũ trang có thể đảm trách. Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém trong việc quản lý GTĐB nói chung và đặc biệt là quản lý cấp GPLX hiện nay do Bộ Giao thông đảm trách, Chính phủ cần có những biện pháp và chủ trương cấp bách để chấn chỉnh việc này”- ĐB Nghĩa kiến nghị.

"Không ổn"

Trước một số ý kiến cho rằng cần ban hành Luật Đường bộ và vì Chính phủ đã phân công nhiệm vụ, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng: “Không ổn”. Vì nếu đó là Luật Đường bộ thì phần phương tiện GTĐB và vận tải GTĐB bỏ ra ngoài luật này.

ĐB Nguyễn Mai Bộ nói không phải cứ "Chính phủ phân công thì chúng tôi cứ nhất nhất như thế". Ảnh: QH

Việc Chính phủ phân công thì ĐB Mai Bộ bày tỏ: “Hồ sơ đưa sang cho chúng tôi đọc thì chúng tôi biết được là Chính phủ phân công rồi. Nhưng câu chuyện Chính phủ phân công có hợp lý hay không thì câu chuyện đó dưới con mắt của ĐBQH, cho nên đừng mang lý do là Chính phủ phân công thì ĐBQH chúng tôi cứ nhất nhất như thế. Đó là không được phép trong nguyên tắc làm luật”.

Có ba ý kiến nói việc cấp GPLX là thông lệ quốc tế, ĐB Mai Bộ nói thẳng: “Tôi xin thưa là thông lệ quốc tế mà ba ĐB lập luận là trái thông lệ quốc tế”. Theo ĐB Mai Bộ, Việt Nam đã ký công ước quốc tế về vận tải, chuyện cấp và công nhận giấy phép thì “phôi bằng” Việt Nam đã cấp phép cho các nước tham gia Công ước này.

Sau khi dẫn ra số liệu cho thấy chỉ rất ít quốc gia giao cho cảnh sát cấp giấy phép lái xe, ĐB Mai Bộ đặt vấn đề: “Vậy ba ĐB nói là theo thông lệ quốc tế thì thông lệ nào? Nghĩa vụ của chúng ta là ký Công ước quốc tế, chúng ta phải nội luật hóa mà đã nội luật hóa rồi đưa phôi bằng này cho các quốc gia, tại sao bây giờ chúng ta lại bẻ ngang như thế? Rõ ràng ba ý kiến đó tôi cho rằng không thuyết phục”.

 

Rất ít nước giao cho cảnh sát cấp giấy phép lái xe

ĐB Mai Bộ dẫn ra số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về cơ quan cấp GPLX để chứng minh nhận định của mình về thông lệ quốc tế cấp GPLX.

Theo đó, Mỹ có 46/50 bang do cơ quan giao thông cấp, có 4 bang là cảnh sát; Canada 13/13 bang do giao thông cấp; Mehico, Brazil thì do giao thông cấp.

Ở châu Âu thì 19 nước gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển và các nước Đông Âu chỉ có duy nhất Bulgaria là do CSGT cấp. Còn lại là do giao thông cấp.

Ở châu Úc thì có 8/8 bang do cơ quan giao thông cấp.

Ở châu Á gồm có các nước Asean, Ấn Độ, Iran, Hồng Kông, Hàn Quốc thì chỉ có duy nhất một nước là Indonesia là do CSGT cấp, còn lại là do cơ quan giao thông. Ở Hàn Quốc thì do một văn phòng cấp bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm