Không phải nông dân, vẫn được thừa kế đất lúa

(PLO)- Dù theo Luật Đất đai 2013 hay Luật Đất đai 2024, quyền thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa) không bị hạn chế bởi nghề nghiệp của người thừa kế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thủy (quê Quãng Ngãi) cho biết mình là nhân viên văn phòng tại TP.HCM. Thời gian qua, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, ba mẹ chị cùng nhiều người dân trong xóm “rỉ tai” nhau chuyện con cái mà không làm nông thì không được thừa kế đất nông nghiệp của ba mẹ.

Do đó, ba mẹ chị Thủy phải tìm cách xin chuyển mục đích sử dụng đất, để sau này chia cho con cái. Nhưng khổ nổi chuyển mục đích lại chưa được vì UBND xã bảo phải chờ có kế hoạch sử dụng đất của cấp trên.

Không cần xác nhận "nông dân"

Không chỉ ba mẹ của chị Thủy mà nhiều bạn đọc khác cũng có chung thắc mắc về thông tin con cái không làm nông có được thừa kế đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa) của ba mẹ hay không.

đất nông nghiệp
Quyền thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa) không bị hạn chế bởi nghề nghiệp của người thừa kế. Ảnh: BT

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Nguyễn Phước Vẹn (Đoàn LS TP.HCM) cho hay, hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện các quy định tại Luật Đất đai 2013.

Về quyền của người sử dụng đất, Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Do vậy, Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các trường hợp: (i) Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai; (ii) Đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân; (iii) Công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; và (iv) Thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.

Như vậy, theo LS Nguyễn Phước Vẹn, pháp luật hiện hành quy định đối với trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp thì không cần phải thực hiện thủ tục xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tức con cái dù không phải nông dân, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng vẫn được thừa kế đất trồng lúa do ba mẹ để lại mà không phải khăn gói đi xin “xác nhận nông dân”.

"Pháp luật hiện hành chỉ hạn chế đối với trường hợp “nhận chuyển nhượng”, “nhận tặng cho” đất trồng lúa mà thôi. Đối với các loại đất nông nghiệp khác (không phải đất trồng lúa) thì vẫn được nhận chuyển nhượng, tặng cho mà không cần phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp", LS Vẹn thông tin.

Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất đai được chia làm ba nhóm căn cứ vào mục đích sử dụng gồm: Nhóm đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) và nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.

Luật Đất đai 2024 kế thừa và mở rộng luật hiện hành

Tương tự như quy định tại Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 cũng không có quy định nào hạn chế quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp của những người không làm nông.

Thậm chí, Luật Đất đai 2024 còn mở rộng quyền cho người dân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa so với Luật Đất đai 2013. Theo đó, dù trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không thì vẫn được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.

Luật Đất đai 2024 chỉ quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.

“Người dân có thể yên tâm canh tác và để lại cho các con thừa kế đất trồng lúa nói riêng, đất nông nghiệp nói riêng”, LS Nguyễn Phước Vẹn nói .

Trước đó, khi dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa được thiết kế theo ba phương án.

Phương án 1: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 3: Khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177 (không quá 03 héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 02 héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Cuối cùng phương án 3 đã được lựa chọn, thông qua. Quy định này có ưu điểm là khuyến khích việc chuyển nhượng đất trồng lúa giữa các cá nhân, việc quy định thành lập tổ chức kinh tế không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Việc gắn với phương án sử dụng đất trồng lúa được phê duyệt có thể hạn chế được tình trạng đầu cơ đất trồng lúa và làm hoang hóa loại đất quan trọng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm