Luật sư so sánh ông Đỗ Hữu Ca với ông chủ Tân Hoàng Minh

(PLO)- Luật sư ông Đỗ Hữu Ca lấy dẫn chứng mức án VKS đề nghị trong vụ việc Tân Hoàng Minh để nói rằng VKS đã đưa ra mức án quá nặng với ông Ca, “xin” cho thân chủ hưởng án treo... 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-4, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 13 bị cáo, trong đó có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.

Ông Ca bị VKS cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị mức án từ 10-11 năm tù. Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư cho rằng mức án này là quá nặng, đề nghị cho thân chủ được hưởng án treo.

“Ông Ca không nguy hiểm đến mức phải cách ly khỏi xã hội”

Bào chữa cho ông Đỗ Hữu Ca, luật sư Bùi Phương Lan trình bày quan điểm, giải thích nguyên nhân phạm tội của ông Ca, cả về khách quan và chủ quan, giải thích về khái niệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể và đặc biệt thủ đoạn gian dối của người phạm tội luôn phải có trước việc chuyển giao tài sản.

Đối với vụ án này, theo lời khai của Ngọc Anh và Trương Xuân Đước thì việc thực hiện chuyển giao tài sản lại được thực hiện trước.

Luật sư bào chữa cho ông Đỗ Hữu Ca trình bày quan điểm tại toà. Ảnh: Ngọc Sơn
Luật sư bào chữa cho ông Đỗ Hữu Ca trình bày quan điểm tại toà. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo LS, như kết luận điều tra xác nhận, kể cả sau khi nhận số tiền 35 tỉ đồng đến lần thứ 4, ông Đỗ Hữu Ca vẫn nói chưa nắm bắt được thông tin gì từ phía Công an Quảng Ninh, điều này chứng minh cho ý thức chủ quan của bị cáo Đỗ Hữu Ca không có ý định lừa đảo hay đưa ra thông tin gian dối để vợ chồng Đước, Ngọc Anh phải đưa tiền để chiếm đoạt tài sản. Chính vậy, ông Ca không thừa nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với việc VKS áp dụng tình tiết tăng nặng đối với ông Ca là phạm tội từ hai lần trở lên, luật sư khẳng định điều này là không thể.

“Trong vụ án này không phải mỗi lần Ngọc Anh đến đưa tiền là lại cấu thành một lần phạm tội. Số tiền Ngọc Anh đưa cho ông Ca là ý chí ngay từ ban đầu, mang đến nhiều lần nhưng chỉ một mục đích. Việc mang đến bốn lần là do Ngọc Anh và Đước không đủ tiền nên mới phải chia thành nhiều lần” - luật sư nêu quan điểm.

Cùng với đó, luật sư cũng cho rằng VKS chỉ nghe một chiều ở những lời khai của Ngọc Anh chứ không nghe những lời khai của ông Ca khi nói về việc Ngọc Anh có đến nhà ông Ca đòi lại tiền.

Theo luật sư, mức án đối với ông Ca là quá cao. Đưa ra ví dụ về vụ Tân Hoàng Minh, luật sư cho biết trong vụ án đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng (chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng phạm tội nhiều lần, gây thiệt hại lớn nhưng khi được đề nghị, VKS chỉ đề nghị 9-10 năm tù.

“Ông Ca gây ra hiểm hoạ gì cho xã hội mà đề nghị án cao như vậy? Tôi giữ nguyên quan điểm là ông Ca không phải người gây nguy hiểm cho xã hội nên không cần cách ly khỏi xã hội” - luật sư nêu quan điểm bào chữa.

Luật sư nói ông Đỗ Hữu Ca coi Đước như em trai, không có động cơ vụ lợi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã nộp lại 35 tỉ cho cơ quan điều tra, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp và được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương.

"Thiết nghĩ, với hơn một năm tạm giam và bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng, nơi mà ông luôn trân trọng, đã cống hiến toàn bộ đời mình để giữ uy tín, xây dựng và phát triển đó đã là hình phạt quá nặng nề, quá khắc nghiệt đối với ông Ca” - luật sư nói.

VKS nói đã xem xét toàn diện, đề nghị mức án dưới khung cho ông Ca

Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng số tiền ông Ca lừa đảo đặc biệt lớn, lên tới 35 tỉ, do có tình tiết giảm nhẹ nên đã đề xuất mức án dưới khung truy tố. Trước đó, theo cáo trạng, VKS truy tố ông Ca theo điểm a khoản 4 điều 174 BLHS, với khung hình phạt 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

"Đề nghị của luật sư cho ông Ca không bị cách ly khỏi xã hội được hưởng án treo là không có căn cứ" - Đại diện VKS nói.

uat-su-xin-an-treo-cho-ong-do-huu-ca-vien-kiem-sat-noi-khong.jpg
VKS nêu quan điểm tại toà. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo đại diện VKS, xâu chuỗi toàn bộ chứng cứ có trong vụ án có thể thấy ông Ca đã nhận 35 tỉ, giữ vài tháng mà không có bất cứ hành động nào để tác động, nhờ vả. Đồng thời, ở phiên toà, ông Ca cũng đã thừa nhận rồi, mọi chứng cứ là phù hợp.

"Dựa theo lời khai, từ 25-28 Tết, vợ chồng Trương Xuân Đước có đến nhà ông Ca để hỏi. Ông Ca bảo đã lo xong hết, cứ yên tâm về ăn Tết. Đó chính là tạo niềm tin, là hành vi chuyển hoá tội phạm” – VKS đưa ra căn cứ.

Về đánh giá tình tiết tăng nặng của ông Ca, theo VKS, ông Ca khai đã nghỉ hưu, mối quan hệ hạn chế, không thể chạy tội. Tuy nhiên, sau khi cháu Đước bị bắt, gia đình nhà Đước đến nhà ông Ca, sau đó mới phát sinh ra việc chạy tội.

“Đó là bị cáo gian dối ngay từ đầu. Bốn lần nhận tiền, là mỗi lần cấu thành tội phạm nên tình tiết tăng nặng là có căn cứ” – VKS nói.

“Sau việc Đước bị bắt, Ngọc Anh có đến nhà thông báo về việc này và xin lại tiền, ông Ca đã đuổi Ngọc Anh về. Con trai Đước là Thành có nghe Ngọc Anh kể lại việc này, ngoài ra còn có lời khai từ con gái Ngọc Anh. Những lời khai này phù hợp với diễn biến” – VKS giải thích về việc Ngọc Anh có đến nhà đòi tiền lại từ ông Ca, thể hiện việc có nhờ ông Ca chạy tội.

“Trong quá trình điều tra, xem xét vụ án, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều. Pháp luật phải nghiêm minh, bất kể là với ai. Chúng tôi đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có cả các đơn xin giảm nhẹ của ông Ca để đưa ra mức án đề nghị như vậy" - đại diện VKS khép lại phần đối đáp với luật sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm