Không tăng học phí đại học, mỗi trường một kiểu

(PLO)- Trước chủ trương giữ ổn định mức thu học phí như năm học trước, nhiều trường vẫn chưa có thông tin chính thức khiến sinh viên thấp thỏm chờ đợi.

Theo Nghị quyết 165 của Chính phủ ban hành ngày 20-12-2022, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022.

Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện nghị quyết này ở nhiều cơ sở đào tạo vẫn còn mỗi nơi một kiểu. Trong khi đó, từ đầu năm học này đa số các trường đã triển khai thu học phí theo mức tăng mới. Ở những trường chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, mức thu mới thậm chí còn cao gấp nhiều lần mức cũ.

Trường ĐH Tài chính Marketing ba năm nay không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên. Ảnh: PA

Hoàn trả tiền học phí chênh lệch

Ngay sau khi có nghị quyết của Chính phủ, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã có thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 dành cho sinh viên (SV) hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm.

Theo đó, trường quyết định mức thu học phí năm học này bằng mức năm học trước. Cụ thể, 11 ngành học đang thu mức 465.000 đồng/tín chỉ sẽ giảm xuống còn 377.000 đồng/tín chỉ.

Với hệ chất lượng cao, ngành kiến trúc đang thu 1.990.000 đồng/tín chỉ sẽ giảm xuống còn 1.648.000 đồng/tín chỉ, ngành quy hoạch vùng và đô thị đang thu 1.830.000 đồng/tín chỉ xuống còn 1.608.000 đồng/tín chỉ, ngành kỹ thuật xây dựng cũng sẽ thu 1.234.000 đồng/tín chỉ thay vì thu mức hiện nay là 1.600.000 đồng/tín chỉ. Hệ vừa học vừa làm học phí giảm từ 698.000 đồng xuống còn 566.000 đồng/tín chỉ.

Nhà trường cho biết sẽ hoàn trả phần chênh lệch cho những SV đã đóng học phí ở học kỳ 1 năm học này theo mức mới chưa điều chỉnh.

PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, bày tỏ ủng hộ chủ trương không tăng học phí của Chính phủ vì tình hình kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn và dự báo còn tiếp diễn sang năm 2023.

Không chờ đến khi có nghị quyết của Chính phủ, từ ba năm nay trường đã chủ trương không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, SV sau khi vượt qua đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, riêng năm nay, trường còn thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ SV với tổng số tiền gần 45 tỉ đồng và huy động nhiều nguồn lực để cấp học bổng cho SV.

Khóa tuyển sinh năm 2022 là năm đầu tiên trường thu học phí theo cơ chế tự chủ nên vẫn thực hiện mức thu mới như bình thường.

Trường tự chủ cân nhắc mức thu

Từ năm học này một số trường ĐH tại TP.HCM đã chuyển sang cơ chế tự chủ với mức thu học phí mới tăng gấp nhiều lần so với năm học trước. Tuy nhiên, trước nghị quyết không tăng học phí của Chính phủ, các trường vẫn chưa có thông tin chính thức khiến nhiều SV thấp thỏm chờ đợi.

Năm đầu tiên chuyển sang cơ chế tự chủ, mức học phí khóa tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tăng khá cao. Cụ thể, các khóa tuyển sinh năm 2021 trở về trước, học phí hệ đại trà của trường chỉ 13,5-14,5 triệu đồng/năm học thì năm 2022 tăng lên thấp nhất là 21,5 triệu đồng/năm, cao nhất là 27 triệu đồng/năm.

ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh của trường, cho biết thực hiện theo chủ trương không tăng học phí của Chính phủ, trường chỉ thực hiện không tăng học phí theo lộ trình cho SV năm thứ hai trở về trước. Khóa tuyển sinh năm 2022 là năm đầu tiên trường thu học phí theo cơ chế tự chủ nên vẫn thực hiện mức thu mới như bình thường.

Tương tự, mức thu học phí khóa tuyển sinh năm 2022 theo cơ chế tự chủ ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng tăng nhiều so với năm học trước. Chẳng hạn, hệ đại trà có mức thu cũ trung bình 9-10 triệu đồng/năm học thì nay tăng lên 16-24 triệu đồng/năm học (tùy nhóm ngành).

Đại diện nhà trường cho biết hiện trường chưa có phương án cụ thể về mức thu học phí theo chủ trương mới của Chính phủ. Trường vẫn đang tính toán và dự kiến sẽ theo hướng giữ nguyên mức thu như năm học trước (tức trước khi tự chủ). Mức chênh lệch với mức thu năm học này sẽ được ngân sách nhà nước bù vào.

Còn tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), dù năm thứ hai thu học phí mới theo cơ chế tự chủ nhưng từ đầu năm học này trường đã chủ trương không tăng học phí theo lộ trình đã ban hành. Trường vẫn đang áp dụng mức thu cũ như năm học 2021-2022 cho cả bốn khóa học.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới