Đại diện Đội CSGT quận 12, TP.HCM cho biết đã mời chủ xe cùng tài xế ô tô có hành vi cản trở đoàn xe cứu hỏa suốt 3-4 km trên đường Lê Văn Khương, quận 12 hôm 9-7 đến làm việc.
Sắp tới, CSGT sẽ củng cố thêm chứng cứ để xử phạt lỗi cản trở không nhường quyền ưu tiên cho xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ, theo Nghị định 46/2016. Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng và có hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.
Trước đó, đoạn clip mà chính các chiến sĩ cảnh sát PCCC ghi lại khi họ đang trên đường đi cứu hỏa nhưng bị một chiếc ô tô chạy cản đường thu hút sự quan tâm của dư luận. Người dân vô cùng tức giận trước hành vi của tài xế trên. Có thể nói người này rất vô trách nhiệm, coi thường luật lệ và nguy hiểm của người khác bởi xe cứu hỏa đã liên tục bấm còi đề nghị nhường đường.
Chiếc xe ung dung chạy trước mũi xe cứu hỏa suốt 4 km.
Phạt vậy không ai sợ
Khi biết được mức phạt dành cho tài xế chỉ tối đa 3 triệu đồng, dư luận càng thêm bức xúc vì có vẻ quá nhẹ, chỉ như “gãi ngứa” người vi phạm. Các bạn Tùng Lâm, Xu, Nguyên Hồng, Nguyen Viet… đều đồng lòng yêu cầu phải xử phạt thật nặng để làm gương.
“Loại vô ý thức này cần phạt nặng và tước bằng lái vĩnh viễn!”, là ý kiến của bạn Tùng Lâm. Bạn Nguyen Tuong bình luận: “Luật phạt quá nhẹ, nếu cứ phạt bằng 1/3 hoặc 1/2 giá trị xe (kể cả xe máy) chắc chắn nghiêm ngay. Pháp luật mình còn nhẹ lắm!”.
“Thử tưởng tượng hậu quả thiệt hại con người, tài sản có thể xảy ra nếu xe cứu hỏa đến trễ thì sao? Phạt như thế này không ai sợ hết, nhất là mấy người đã đi ô tô” - bạn Hoa Hạnh bức xúc.
Trong khi đó, bạn QV thắc mắc: “Sao không áp dụng điều luật cản trở, chống lại người thi hành công vụ vì quãng đường cả 4 km?”. Bạn DHPV hiến kế luôn: “Trường hợp cản đường xe cứu hỏa thì xe cứu hỏa có quyền đâm vào vật cản trở đó”.
Tất cả ý kiến bạn đọc đều cho rằng khó có khả năng người lái ô tô không nghe được tiếng còi, mà nếu xác định không nghe được do đang nghe nhạc hay do hạn chế thính lực thì lại có khả năng mắc thêm lỗi khác.
Nhiều người đồng tình đây chỉ đơn giản là hành vi coi thường người khác, ta đây của tài xế. Bạn Le Phuoc nói: “Hãy công khai danh tính mấy ông trời con này cho bàn dân thiên hạ biết để né”.
Xe cấp cứu thuộc nhóm ưu tiên nhưng thường bị "vây" bởi nhiều phương tiện khác.
Ai lái không quan trọng, quy trách nhiệm chủ xe
Một cái khó trong xử phạt trường hợp này là khi không bắt quả tang, xử lý vi phạm qua hình ảnh là phải xác định đúng tài xế vi phạm là ai. Nhiều trường hợp thông qua biển số tìm ra chủ xe nhưng chủ xe không hợp tác, trả lời không biết, không nhớ tài xế là ai vì là xe cho thuê thì rất khó khăn.
Bạn Quyết Đỗ tức giận nói: “Việc anh cho ai thuê, ai mượn xe tôi không biết, anh là chủ xe, tôi cứ đè chủ xe ra phạt, không thì thu xe, thế thôi”. Đồng tình, bạn Vương gia cũng cho rằng: “Chủ xe không chịu trách nhiệm, đổ lỗi cho tài xế không biết thì phạt chủ xe và giam xe từ một đến hai tháng. Chủ xe phải lưu thông tin của người thuê xe, trường hợp này hay trường hợp cho thuê xe gây tai nạn cũng vậy thôi”.
Bạn đọc không cho rằng khó khăn xử phạt nằm ở việc xác định chính xác người vi phạm, bởi người cho thuê xe phải chịu trách nhiệm trước tiên.
Bạn Duong Minh Tuan phân tích: “Hãy bao quát vấn đề và quy về cho chủ xe khai báo ai lái xe vào thời điểm đó. Nếu không khai được thì phải đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí kết tội người này nếu có hành vi che giấu tội phạm”. Còn bạn Đ.Hòa thì cho rằng: “Khi không biết ai lái xe cứ tạm giữ phương tiện đến khi tìm ra thì thôi. Chắc chắn chủ xe sẽ đưa người lái xe ra trình diện ngay”.
Dù có thế nào thì chủ sở hữu chiếc xe trên cũng khó thoát khỏi liên lụy. Người này nên hợp tác với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ việc, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quan trọng hơn cả, sau vụ việc này người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức hơn. Khi lưu thông trên đường gặp các xe ưu tiên như xe cứu hỏa, xe cấp cứu thì phải nhanh chóng nhường đường. Chỉ vài giây chậm trễ là hậu quả khôn lường. Nhẹ là thiệt hại tài sản, nặng thì có thể một hoặc nhiều cuộc đời sẽ mất đi mãi mãi.
“Nếu chiếc xe cứu hỏa này đang trên đường đi cứu hỏa ở nhà chủ chiếc xe cản đường hoặc người thân của họ thì sao nhỉ?”, là một câu hỏi đáng suy ngẫm bạn Trung Anh đặt ra.