'Không thể cùng 1 điều luật mà 3 ngành nhận thức khác nhau'

(PLO)- Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cho rằng kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp không thống nhất và cần khắc phục điều này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nghị trình, Quốc hội (QH) dành trọn ngày 21-11 để nghe và thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác tư pháp năm 2023.

“Đâu đó giữa các cơ quan chưa có sự phối hợp tốt”

Đại biểu (ĐB) Trần Công Phàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhận xét “đâu đó giữa các cơ quan chưa có sự phối hợp tốt”, làm hạn chế kết quả đạt được trong thời gian qua. “Tôi đề nghị các cơ quan, trước hết là các cơ quan bảo vệ pháp luật, phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp. Đây là phối hợp để chúng ta làm đúng, phối hợp để tìm ra chân lý, không phải phối hợp để đồng tình làm sai” - ông Phàn nhấn mạnh.

vien-truong-le-minh-tri-6301-506.jpeg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho rằng kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp không thống nhất. Ông đề nghị khắc phục bằng cách tăng cường hướng dẫn, giải thích để khi vận dụng luật, ít nhất là đọc luật, có một ý kiến thống nhất.

Khởi tố nhiều cán bộ ngành công an, tòa án, VKS

Theo báo cáo của VKSND Tối cao, năm 2023, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và thụ lý, điều tra 80 vụ/151 bị can để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong đó có 37 vụ/87 bị can (ngành công an); 4 vụ/5 bị can (ngành kiểm sát nhân dân); 10 vụ/9 bị can (ngành tòa án); 16 vụ/17 bị can (cơ quan thi hành án dân sự) và 13 vụ/33 bị can (ngành khác).

“Không thể cùng một điều luật mà ba ngành làm án lại nhận thức khác nhau. Phải có hướng dẫn” - ông Phàn nói.

Tại phiên họp hôm 20-11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết bà nhận được nhiều đơn của cử tri về hai vụ án liên quan đến đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng trong hai năm 2010, 2011 mà qua nghiên cứu, bà nhận thấy “có những điểm khó hiểu, khó lý giải về các bản án đã tuyên”.

Cụ thể, trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), tòa sơ thẩm và phúc thẩm xác định trị giá thiệt hại là tài sản tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, với vụ án Trần Văn Minh, trị giá tài sản thiệt hại lại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

ĐB-Nguyễn Thị Kim Thuý.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng)

Điều đáng nói là cả hai vụ án trên đều liên quan đến ba tài sản nhà nước tại TP Đà Nẵng nhưng lại không đồng nhất trong cách xác định trị giá tài sản thiệt hại. Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội dẫn chứng trị giá tài sản tại đất Công viên An Đồn cũ, trị giá thiệt hại tại thời điểm vi phạm (năm 2010) chỉ hơn 32 tỉ đồng, trong khi xác định tại thời điểm khởi tố vụ án (năm 2018) thì trị giá là hơn 167 tỉ đồng, gấp hơn năm lần.

“Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án trên để tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?” - bà Thúy đặt câu hỏi với Chánh án TAND Tối cao hôm 20-11.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình.jpeg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói về thời điểm xác định thiệt hại vụ án mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu. Ảnh: QH

Hồi đáp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có nghị quyết hướng dẫn tất cả vụ án sẽ phải xác định hậu quả ở thời điểm hành vi phạm tội xảy ra chứ không phải thời điểm phát hiện.

Hôm qua (21-11), ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục nêu lại vấn đề trên, do “không thể hiểu ý của Chánh án trong phần cuối của lời giải đáp”.

Xây dựng tiêu chí để “tội phạm không được có lãi”

Phát biểu tại phiên thảo luận, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nêu quan điểm cá nhân liên quan đến thời điểm xác định thiệt hại, dù đây là vấn đề ĐB hỏi Chánh án TAND Tối cao.

Theo ông Lê Minh Trí, trước hết cần phân biệt chiếm đoạt khác với thiệt hại. “Nếu nói chiếm đoạt, thời điểm tội phạm xảy ra gây thiệt hại là đúng. Nhưng xác định thiệt hại ở thời điểm khởi tố vụ án hay thời điểm tội phạm xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ” - ông Trí nói.

Đại biểu Trần Công Phàn.jpeg
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh: QH

“Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt nhiều tài sản ở TP.HCM và TP Đà Nẵng. Nếu tính thiệt hại ở thời điểm phạm tội, anh này chỉ bán vài cái thôi là huề tiền, còn bao nhiêu có khi giàu to. Bởi vì giá nhà đất tăng lên hàng chục lần rồi. Anh chỉ tính ở thời điểm phạm tội cách đây 10 năm, tài sản lúc đó giả sử có 1 tỉ đồng thôi, giờ 20-30 tỉ đồng rồi” - người đứng đầu ngành kiểm sát phân tích và cho rằng nếu lấy thời điểm ra quyết định hành chính trái pháp luật để đối tượng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước làm căn cứ tính trị giá thiệt hại của Nhà nước là “chưa hợp lý”.

Ngoài ra, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng nếu tội phạm xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế (gồm vi phạm quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, vi phạm quy định về đấu thầu…) gây hậu quả nghiêm trọng, thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi này chưa xảy ra ngay hậu quả. “Hành vi này diễn ra một thời gian, đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, các công trình, dự án bị ngừng thi công, lúc đó mới phát sinh hậu quả”- vẫn theo lời ông Trí.

Hay với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngân hàng, ông Trí cho rằng hậu quả của vụ án tính từ thời điểm chuyển tiền cho đối tượng có hành vi lừa đảo...

“Tôi nghĩ Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không phải là sai nhưng chưa dẫn hết các tình huống trên thực tiễn” - ông Trí nói và kiến nghị TAND Tối cao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, VKS xây dựng thêm các tiêu chí sát hợp hơn để “tội phạm không được có lãi”.

Không có chuyện giữ được tài sản để bán đi có lời

“Chúng tôi khi xây dựng Nghị quyết 03 đã lấy ý kiến của tất cả cơ quan: công an, VKS, Bộ Tư pháp... Quy trình không khác gì quy trình làm luật. Khi tất cả cơ quan thống nhất thì chúng tôi ban hành nghị quyết” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đáp lại sau đó.

Nghị quyết trên hướng dẫn thời điểm xác định hậu quả là thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Với những vụ án không xác định được thời điểm xảy ra hành vi phạm tội thì áp dụng theo thời điểm khởi tố. “Với những vụ án tình hình phạm tội kéo dài, Nghị quyết 03 đã giải quyết câu chuyện này” - theo ông Bình.

Nhắc lại ý kiến của ông Lê Minh Trí về việc “khi bán tài sản thành ra có lời”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định: “Báo cáo QH, không có chuyện đó”.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, khi tòa tuyên án, tất cả bất động sản mà Phan Văn Anh Vũ vi phạm có được đều đã bị tịch thu. “Thế nên không có chuyện còn giữ được tài sản nào để bán đi có lời. Các vụ án khác cũng vậy, không phụ thuộc vào giá cả ở thời điểm nào” - ông Bình nói thêm.

Ghi nhận ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng ta sẽ cùng nhau rà soát tất cả nội dung khác. Nếu Nghị quyết 03 còn điều gì chưa bao hàm hết, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung và chúng ta lại quay lại quy trình như xây dựng pháp luật”.

Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can đã thực hiện đến đâu?

Thảo luận vào sáng 21-11, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết thực hiện chủ trương cải cách tư pháp để tránh tình trạng bức cung, nhục hình, góp phần hạn chế oan sai, BLTTHS năm 2015 quy định “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.

Liên quan đến quy định này, theo bà Tâm, Nghị quyết 41/2017 của QH và Thông tư liên tịch 03/2018 của bốn bộ, ngành đã quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc.

Từ đó, vị ĐB tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: Đến nay, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử đã được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc hay chưa?

Cùng vấn đề, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho biết việc ghi âm, ghi hình đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự cũng như số hóa các tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội để những người bị buộc tội sử dụng trong bào chữa (được nêu trong Nghị quyết 110/2015 của QH) chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.

“Tại sao cho đến nay chưa có bị can nào được đọc ghi chép, bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra?” - ông Thịnh nói. Từ đó, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan, ban ngành có liên quan cần quan tâm để thực hiện Nghị quyết 110 của QH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm